|
Với các doanh nghiệp hay bệnh viện (BV) tư nhân, nếu gây ô nhiễm thì ngoài việc bị phạt tiền còn đối mặt với nguy cơ buộc ngưng hoạt động. Thế nhưng, với BV công thì không hoàn toàn như vậy. Điều đó đã được minh chứng cụ thể tại BV Bưu điện thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
Ông Trương Anh Kiệt, Giám đốc BV Bưu điện thừa nhận, mỗi ngày BV khám chữa bệnh khoảng 250 lượt người, cao điểm hơn 300 lượt người. Số lượng bệnh nhân nằm điều trị khoảng 150 giường bệnh. Toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh được đưa về hệ thống bể chứa xử lý nước thải. Chỉ có điều hệ thống này đã được Tập đoàn Bưu chính viễn thông cho xây dựng từ năm 1997 theo quy trình công nghệ cũ (công nghệ truyền thống xử lý cuối cùng bằng hóa chất Clo) nên thường phát sinh mùi hôi rất khó chịu. Đặc biệt, vào những ngày ít gió, BV thường xuyên phải tiếp nhận phản ánh của người dân sống trong khu dân cư xung quanh do không thể chịu được mùi hôi. Ngoài ra, hệ thống xử lý nhiều lần bị trục trặc và không được khắc phục nên cho đến nay cũng gần như không hoạt động được.
|
Khu chứa rác khiêm tốn tại Bệnh viện Đa khoa Bưu điện ở TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
|
Điều đáng nói là việc xử lý nước thải gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân khu vực xung quanh của BV đã diễn ra kéo dài rất nhiều năm nhưng cho đến nay việc khắc phục vẫn rất chậm. Bà Võ Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ Môi trường thuộc Phòng TN-MT quận 10, TPHCM cho biết, từ năm 2005, quận đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của BV. Theo đó, đoàn kiểm tra đã chỉ ra 3 sai phạm về môi trường và yêu cầu BV chậm nhất cuối tháng 3-2006 phải khắc phục như hoàn thành sửa chữa cải tạo hệ thống xử lý nước thải; thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần; đăng ký lại danh mục chất thải nguy hại. Thế nhưng, đến năm 2006 khi cơ quan chức năng tái kiểm tra thì BV chỉ mới khắc phục được hành vi sai phạm là báo cáo giám sát định kỳ và đăng ký lại danh mục chất thải nguy hại. Còn cải tạo hệ thống xử lý nước thải thì vẫn chưa thực hiện. Đến năm 2009, quận tái kiểm tra thêm lần nữa nhưng BV vẫn không xuất trình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. BV còn bị phát hiện sử dụng và khai thác nước ngầm mà chưa xin phép theo quy định.
Ông Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng Đội 2, Cảnh sát môi trường TPHCM cho biết thêm, năm 2009, lực lượng cảnh sát môi trường đã kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của BV và cũng đã đề xuất UBND TPHCM xử phạt. Theo đó, UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu BV phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng cho đến nay vẫn chưa xây dựng. Hiện theo con số của lực lượng cảnh sát môi trường, trung bình mỗi ngày BV thải ra môi trường khoảng 100m3 nước thải.
Một nguyên nhân chung thường thấy ở các BV công khi lý giải việc chậm cải tạo hệ thống xử lý nước thải là do chậm được các đơn vị chủ quản cấp vốn đầu tư. Và trong trường hợp của BV Đa khoa Bưu điện là do đơn vị chủ quản VNPT.
BV Đa khoa Bưu điện gây ô nhiễm từ năm 2000 nhưng phải đến năm 2011, VNPT mới có quyết định chấp thuận cho phép BV đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đến cuối năm 2012, VNPT mới có thêm quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng trạm xử lý nước thải BV Đa khoa Bưu điện cơ sở 1 (9b Thành Thái, quận 10) và 2 (phường Thảo Điền, quận 2). Điều đáng nói là từ khi có quyết định cho đến nay chỉ mới có cơ sở 1 là mở được gói thầu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Còn khi nào xây dựng xong thì khó mà xác định được. Riêng cơ sở 3 hoạt động ngay trên đường Pasteur, quận 1 vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ có hệ thống xử lý nước thải trong năm nay.
Ông Lâm Hiếu Nghĩa nhấn mạnh thêm, đang có sự phân biệt đối xử khá lớn trong việc xử lý hành vi vi phạm môi trường giữa các BV công và tư. Theo chỉ đạo của UBND TP, đến hết năm 2012, các BV trên địa bàn TP phải xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải. Cho đến nay thì gần như tất cả các BV, nhất là các BV tư đều đã hoàn thành theo đúng yêu cầu trên. Trong khi đó, BV công thuộc các ngành thì chưa. Điều này đã tạo ra sự phân biệt đối xử thiếu công bằng giữa các BV công và tư. Theo chúng tôi, những BV công hay tư nếu vi phạm đều phải chịu xử lý như nhau. Trong trường hợp của BV Đa khoa Bưu điện nên chăng phải đình chỉ khâu khám chữa bệnh có phát sinh nước thải cho đến khi cải tạo xong hệ thống xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, không thể chấp nhận một nơi khám chữa bệnh lại cũng là nơi gây ra bệnh cho người dân sống khu vực xung quanh. Hiện công tác cải tạo hệ thống xử lý nước thải mới dừng ở công đoạn mở thầu thì rất khó hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải vào đúng tháng 6 như cam kết của BV. Vậy nên theo ý kiến của các đại biểu, cơ quan chức năng đề nghị BV phải nói rõ lộ trình cũng như cam kết thực hiện, không thể mãi hứa như hiện nay.
ÁI VÂN