“Phải bảo vệ quyền lợi cho người có đất nằm trong khu quy hoạch” - ông Huỳnh Thành Lập, đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề xuất tại hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ TN&MT tổ chức (ngày 24-4).
Dự án “treo”: Quy rõ trách nhiệm
Theo ông Lập, hiện tại nhiều khu vực xảy ra tình trạng quy hoạch không có khả năng thực hiện hoặc nếu có làm cũng phải mất 30-40 năm sau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người dân. “Chúng ta vẫn nói quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Nhưng nếu đất nằm trong khu quy hoạch thì người có đất gần như không làm được gì, quyền của họ bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho người có đất nằm trong khu vực quy hoạch, như quyền được cấp giấy chứng nhận nhà đất, quyền được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn...” - ông Lập nói.
Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới tại phường An Khánh, quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD
Về chế tài trong việc chậm đưa đất vào sử dụng, ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị: Ngoài việc thu hồi đất hoặc đánh thuế lũy tiến, cần quy rõ trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh được việc chậm thực hiện dự án là do lỗi của cơ quan nhà nước.
Mở rộng diện được đào tạo nghề
Cũng theo ông Sang, nhiều gia đình ở TP.HCM đang kiếm sống bằng cách buôn bán ngay tại căn nhà của mình. Việc thu hồi đất rõ ràng đã làm mất đi sinh kế của họ. Với trường hợp này, Nhà nước cũng phải hỗ trợ dạy nghề hoặc tạo việc làm giống như đối với những người bị mất đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. “Ngoài ra, cần quy định rõ khi bị thu hồi đất ở thì trường hợp nào được bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền” - ông Sang đề nghị.
Việc mua bán nhà đất có cần qua cơ quan công chứng hay không cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm. Ông Lập nghiêng về phương án tất cả giao dịch không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Điều này nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân trong việc chuyển nhượng nhà đất. “Người dân phải có cách thức để tự bảo vệ mình. Chúng ta đừng quá lo xa!” - ông Lập nói.
Giữ đất trồng lúa
Bàn về giá đất, ông Lê Mộng Điệp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng đây là linh hồn của Luật Đất đai. “Không nên có hai loại giá đất (giá thị trường và giá của Nhà nước) như hiện nay. Còn nếu chúng ta muốn tính giá đất theo thị trường thì phải có cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan nhà nước. Hiện chúng ta đang làm theo kiểu cơ quan thẩm định giá đất cũng của Nhà nước, UBND ban hành giá đất cũng là cơ quan nhà nước. Làm như vậy rất tốn tiền của Nhà nước mà không hiệu quả” - ông Điệp nói.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Theo bà Nguyễn Thanh Thụy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, chỉ nên áp dụng quy định này với những nơi chưa có quy hoạch sử dụng đất. Còn nếu giữ nguyên như dự thảo sẽ tạo cơ chế xin-cho, địa phương khó chủ động trong việc chuyển đổi đất đai. Tuy nhiên, Bộ TN&MT vẫn giữ quan điểm: “Quy định như vậy là để giữ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Sẽ có quy định cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trên ở quy mô nào thì mới phải trình Chính phủ”.
HOÀNG VÂN