Trong chuyến làm việc tại các địa phương phía Nam mới đây về biến đổi khí hậu (BĐKH), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “BĐKH đang diễn biến nhanh hơn so với dự báo, đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp và đối sách kịp thời ở từng vùng và từng thời điểm. Trong triển khai đầu tư thực hiện các công trình, cần rà soát quy hoạch sao cho phù hợp cũng như cân đối nguồn vốn, đặc biệt phải xác định được công trình trọng điểm để ưu tiên đầu tư”.
|
Tiền Giang huy động lực lượng gia cố đê biển Gò Công. Ảnh: Bình Đại
|
Thiếu vốn trầm trọng
Là địa phương vùng lũ nhưng nhiều năm qua, An Giang luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt vào mùa khô. Hiện An Giang cần phải nạo vét hơn 600 công trình kênh mương nội đồng với nguồn kinh phí lên tới 320 tỷ đồng. Do tình hình cấp bách, địa phương đang khẩn trương nạo vét 150 công trình kênh nội đồng, khu vực nông thôn bị cạn kiệt nhất để đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động, phục vụ sản xuất lúa hè thu.
Tại Bến Tre, đến nay có 10 hệ thống đê sông, biển và đê bao cục bộ các cồn, với tổng chiều dài 396km, hầu hết đang phục vụ tốt mục tiêu ngăn mặn, một số còn đảm nhiệm vai trò đường giao thông. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí nên việc đầu tư chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả ngăn mặn chưa cao. Hàng loạt công trình dưới đê còn bỏ ngỏ nên tình trạng mặn xâm nhập ngày càng cao. Hệ thống 170 cống đập lớn rất quan trọng nhưng tới nay chỉ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 90 cống. 80 cống còn lại nước mặn vẫn ra vào tự do nên hiệu quả ngăn mặn toàn hệ thống thấp.
Tỉnh Bến Tre đề xuất hỗ trợ gần 7.000 tỷ đồng để triển khai công trình đê biển Ba Tri giai đoạn 2, đê biển Bình Đại, Thạnh Phú và đê bao khu vực đất cồn ven sông, ven biển nhằm phòng chống mặn xâm nhập do nước biển dâng, tạo hạ tầng ổn định để phát triển sản xuất, bảo vệ dân cư; đồng thời, phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn do thiên tai.
Tại Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết: “Hàng năm, tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình quan trọng như củng cố đê bao, đắp đập bảo vệ vùng cây ăn trái trọng điểm; tôn cao đê sông, đầu tư sửa chữa nâng cấp đê biển… Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của BĐKH và nước biển dâng, nhiều công trình trọng điểm chưa được đầu tư đứng mức nên hiệu quả phòng chống không cao. Tiền Giang kiến nghị Trung ương cần sớm đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo (hơn 4.200 tỷ đồng); tăng đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển Gò Công 1 và 2; hoàn thiện dự án ngọt hóa Gò Công; cho lập dự án chuyển nước ngọt từ phía Tây (sông Bảo Định) về phục vụ khu vực Gò Công…”.
Tại Cà Mau, để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, có thể đáp ứng tình trạng BĐKH, nước biển dâng, Cà Mau đang cần đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Số tiền này vượt khả năng ngân sách tỉnh trong khi vốn từ trung ương có giới hạn.
Cần đổi mới tư duy
“Ứng phó với BĐKH là vấn đề cấp bách vì vậy chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwa Kwa, đã nói ngay sau chuyến thị sát mới đây tại tuyến đê biển Ba Tri (do dự án WB 4 tài trợ) và công trình cống đập Ba Lai đã phát huy hiệu quả trong 10 năm qua tại Bến Tre. Bà Victoria Kwa Kwa khuyến nghị: Cần tăng cường các giải pháp phi công trình trong ứng phó với BĐKH và nước biển dâng như: Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển; nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng; giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác nhân, hậu quả và hành động để giảm thiểu, thích ứng với BĐKH.
Hiện nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ĐBSCL, đặc biệt chú trọng tính đặc thù của từng tiểu vùng, từng địa phương, trong mối tương quan liên kết vùng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng: “Quy hoạch tổng thể thủy lợi thích ứng đối với BĐKH rất quan trọng, đặc biệt phải tính đến đa mục tiêu (xả lũ, cung cấp nước ngọt, ngăn mặn, đáp ứng phát triển các ngành nghề), liên vùng, liên quốc gia trong phân bổ, sử dụng nước. Thời gian dài chúng ta phát triển thủy lợi đơn mục tiêu, tập trung cho lúa nên hiện nay có những bất cập, cần phải quan tâm. Đó là sự mâu thuẫn quản lý nước giữa địa phương này với địa phương khác”.
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất: “Cần nhanh chóng có những giải pháp để tăng tính chịu đựng của ĐBSCL trước những tác động của BĐKH. Cụ thể, khôi phục lại các khu rừng ngập mặn ven biển và bảo tồn đa dạng sinh học. Cần tìm những hệ thống canh tác bền vững, sử dụng tổng hợp cây trồng, vật nuôi, thủy sản; lai tạo giống cây trồng chịu nhiệt, chịu ngập úng, mặn, chống chịu các loại sâu bệnh mới. Quan trọng hơn, phát triển nông nghiệp và thủy sản một cách bền vững ở ĐBSCL cần một tư duy đổi mới, với hướng công nghiệp hóa trong chuỗi giá trị sản xuất từng loại nông, thủy sản độc đáo của từng vùng sinh thái, để tránh tối đa những rủi ro có thể làm tăng thêm nguy cơ BĐKH”.
|
|
"ứng phó với mực nước biển dâng là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... chẳng những của ĐBSCL mà còn của cả nước. Các địa phương phải tranh thủ điều tra, nghiên cứu trên từng địa bàn bị đe dọa để chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất"
|
|
|
|
Bình Đại - Cao Phong