Phải mất 10 năm, cả nước mới có thể xử lý hơn 300 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thế nhưng lại để phát sinh hơn 1.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm mới. Điều này cho thấy đã và đang có kẽ hở rất lớn trong Luật Bảo vệ môi trường, tạo cơ hội để những doanh nghiệp gây ô nhiễm vẫn tồn tại. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gấp rút sửa đổi và hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn được thực trạng trên. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường Bùi Cách Tuyến.
|
Nước thải của các doanh nghiệp dệt, nhuộm sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý tốt. Ảnh: Cao Thăng
|
- Phóng viên: Thứ trưởng có thể đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay của nước ta như thế nào?
>> Ông BÙI CÁCH TUYẾN: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong đó xác định rõ 6 vấn đề môi trường cấp bách cần được tập trung giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt và công nghiệp đúng quy chuẩn còn thấp. Khí thải, bụi phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các thành phố lớn, lưu vực sông; chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh...
- Những năm qua các cấp ngành đã dành không ít công sức để cải thiện chất lượng môi trường. Vậy nguyên nhân nào khiến cho thực trạng môi trường ô nhiễm khó được cải thiện?
Có nhiều nguyên nhân cả về mặt khách quan lẫn chủ quan. Về mặt khách quan, nước ta vẫn đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua chưa được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng chậm lại, thu nhập trong xã hội và trong dân giảm sút dẫn đến đầu tư cho bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn các vấn đề môi trường bức xúc đang đặt ra...
Về yếu tố chủ quan, đó là nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng còn yếu kém. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; thực thi pháp luật chưa nghiêm.
- Theo ông, sự bất cập nào của Luật Bảo vệ môi trường đã tạo cơ hội cho thực trạng môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng?
Trước tiên phải nhấn mạnh rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đánh dấu một bước tiến dài trong sự phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta. Luật đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm thời gian qua. Tuy nhiên, cùng với những biến đổi nhanh của thực tiễn cuộc sống, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng đã sớm bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chủ trương phân cấp mạnh trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các bộ, ngành và địa phương chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn làm xảy ra tình trạng phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Một số quy định chi tiết của luật khi bộc lộ sự không phù hợp với thực tiễn lại chậm được sửa đổi. Nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được điều chỉnh bởi luật. Song, những bất cập đó không phải đã tạo cơ hội cho thực trạng môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng mà chỉ làm chậm lại việc đạt được những mục tiêu trong bảo vệ, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường ở nước ta.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi một cách khá toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cho phù hợp với những yêu cầu mới. Dự kiến dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7 năm 2014.
- Nếu sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường thì theo ông nên nhấn mạnh đến những quy định nào?
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đang trong quá trình tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, dự thảo tập trung sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; bổ sung khái niệm “an ninh môi trường”; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.
Một quan điểm xuyên suốt trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này, đó là phải cân bằng giữa trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp dễ thực hiện, phù hợp điều kiện kinh tế và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Ái Vân