• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
3
2
1
9
Tin tức sự kiện 26 Tháng Mười Hai 2012 7:55:00 SA

Chăm lo phúc lợi nhiều hơn cho người thu gom rác dân lập

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát do Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với tổ chức Enda thực hiện.

 

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 10-2012 nhằm thu thập thông tin cơ bản về tìm hiểu thực trạng của người thu gom rác dân lập, hợp tác xã, nghiệp đoàn rác dân lập. Dựa trên những kết quả này để tham khảo, đưa ra những ý kiến đề xuất và có thể áp dụng vào tình hình thực tế.


Thu nhập thấp khiến cho người thu gom rác dân lập dễ rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi có bất trắc xảy ra. Ảnh: NGỌC CHÂU

Thu nhập ổn định nhưng không cao

 

 

Kết quả nghiên cứu từ tổ chức Enda cho thấy với người thu gom rác dân lập, tỉ lệ nam nhiều hơn, chiếm gần 80%, trong khi tỉ lệ nữ chỉ 20,4%; độ tuổi phổ biến là 18-60 tuổi. Thu nhập trung bình của người thu gom rác làm chủ đường dây là 5,7 triệu đồng/người/tháng và 2,9 triệu đồng/người/tháng đối với người làm thuê.

 

Dựa trên các phương pháp riêng biệt, nhóm nghiên cứu đã soạn ra ba bộ câu hỏi dành cho ba đối tượng chính là người thu gom rác dân lập, cán bộ phường, xã, ban chấp hành nghiệp đoàn rác dân lập. Ngoài ra, phỏng vấn hơn 650 người thu gom rác bao gồm chủ đường dây và người làm thuê; cán bộ phường, xã 16 quận, huyện… Song song đó còn có các buổi thảo luận nhóm với hộ dân; đại diện cơ quan chính quyền, bảo hiểm xã hội, trung tâm y tế dự phòng; ban ngành đoàn thể quận 5, Thủ Đức, Củ Chi…

 

Kết quả khảo sát cho thấy người thu gom rác dân lập chưa hài lòng về thu nhập, các chính sách đãi ngộ, chế độ an sinh xã hội như những người lao động khác. Bản thân họ lại vô hình trong hệ thống các giải pháp chính sách, chế độ, quy định liên quan đến an sinh xã hội. Công việc, thu nhập của họ khá ổn định, đây là một thuận lợi so với nhóm lao động khác trong khu vực phi chính thức. Dù vậy, mức thu nhập lại không cao, ít tích lũy, khi gặp rủi ro rất dễ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Theo báo cáo, việc tăng cường năng lực tổ chức cho người thu gom rác dân lập nên được coi là một mục tiêu chiến lược trọng tâm trong Kế hoạch chiến lược cải thiện và hoàn chỉnh công tác quản lý chất thải rắn của thành phố. Khi đó, mỗi người thu gom sẽ tham gia vào một tổ chức phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ. Việc vận động và khuyến khích đưa những người thu gom rác dân lập trở thành thành viên của một tổ chức là điều kiện tiên quyết để giúp việc hỗ trợ và quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề hình thành tổ chức phải dựa trên nhu cầu và mối quan tâm khác nhau. Một số đề xuất có thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập công ty tư nhân, tổ tự quản hoặc tổ tương trợ, nghiệp đoàn…

Nhiều mô hình hỗ trợ người thu gom rác

Để đạt mục tiêu chiến lược trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số hoạt động cần phải thực hiện. Đó là thực hiện thí điểm hỗ trợ, phát triển các mô hình tổ chức khác nhau với cách làm và những hỗ trợ phù hợp; ưu tiên tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển các hợp tác xã đang hoạt động ổn định và có kế hoạch hoạt động kinh doanh theo hướng hợp tác xã thực sự. Phối hợp với các chương trình dự án hiện tại để triển khai thí điểm và tổ chức hoạt động chia sẻ kinh nghiệm. Sau đó, đúc kết kinh nghiệm, kết quả đạt được để xây dựng, chỉnh sửa chính sách cụ thể và nhân rộng mô hình. Cùng với đó là hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực đối thoại, giao dịch các tổ chức với chính quyền, chủ nguồn thải để đảm bảo chất lượng dịch vụ thu gom và quyền lợi của người thu gom. Nhóm nghiên cứu đề xuất việc công nhận địa bàn hoạt động (đường dây rác) như là một tài sản của người thu gom rác dân lập trong Quy định quản lý và tổ chức hoạt động lực lượng thu gom chất thải rắn thông thường tại nguồn trên địa bàn TP.HCM. Đây sẽ là cơ sở để chủ đường dây đăng ký chính thức với chính quyền để được bảo vệ quyền lợi và dễ dàng cho việc quản lý khi họ sang nhượng. Bước đầu sẽ thực thi thí điểm đồng bộ tại một vài địa phương và sau đó triển khai rộng ra. Đồng thời, ban hành quy định về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế cho lực lượng rác dân lập; đưa các chủ đường dây rác lớn vào quản lý; mô hình tăng nguồn thu cho người thu gom rác. Tại những huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè, những nơi dân cư thưa thớt, địa hình heo hút, ở xa bô rác khiến cho việc lấy rác khá khó khăn. Chi phí vận chuyển tốn kém nên việc thu gom diễn ra từ hai đến ba ngày/tuần. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình làm phân compost từ rác sinh hoạt cho người dân ở đây. Hình thức này dễ làm, thuận tiện, giúp giảm thiểu lượng rác xả ra môi trường, tận dụng rác thải để làm phân bón cho cây. Nguyên tắc cho việc xử lý tại nhà là không sử dụng các hình thức xử lý gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Tức là không đốt rác, không chôn rác bừa bãi, không vứt rác ra nguồn nước…

NGỌC CHÂU 


Số lượt người xem: 3743    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm