• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
7
3
7
4
Tin tức sự kiện 04 Tháng Bảy 2013 7:40:00 SA

Phân loại chất thải rắn tại nguồn, kiên trì thực hiện sẽ thành công

Nhật Bản được đánh giá là nước thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, cũng là nước có chất lượng và công nghệ tái chế rác thải thuộc hàng hiện đại nhất thế giới. Học tập kinh nghiệm đó để có thể cải thiện chất lượng xử lý rác thải tại nước ta là điều cần thiết. Nhưng để có thể chuyển giao kinh nghiệm từ Nhật Bản về Việt Nam không phải dễ dàng. Tiến sĩ Kosuke Kawai (Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về môi trường) đã bày tỏ góc nhìn của mình về vấn đề này với phóng viên Báo SGGP.

Phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác Vietstar. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Nhật Bản từng gặp khó khăn

- PV: Lợi ích kinh tế và môi trường mà Nhật Bản đạt được khi thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn là gì, thưa ông?

>> Tiến sĩ KOSUKE KAWAI: Tổng chi phí quản lý chất thải sẽ thay đổi theo hướng tiết kiệm hơn phụ thuộc vào hệ thống thu gom và tỷ lệ thành công của nguồn tách. Điều đáng nói trước hết việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ làm tăng chi phí thu gom chất thải nhưng về lâu dài chi phí này sẽ giảm đi nhờ giảm chi phí xử lý chất thải và tăng nguồn thu từ việc tái chế. Lợi ích thu được là rất lớn.

Thực tế cho thấy, phân loại tại nguồn giúp tránh chôn lấp trực tiếp chất thải không ổn định như chất thải thực phẩm và bảo đảm chất lượng chất thải tốt hơn cho tái chế. Tại bãi chôn lấp, chất thải thực phẩm có thể bị phân hủy nhanh chóng, sinh ra lượng lớn khí methane - một loại khí gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, việc chôn lấp chất thải thực phẩm còn tạo ra lượng lớn nước rỉ rác chứa nồng độ chất BOD cao…

- Nhật Bản được đánh giá là nước có số hộ dân thực hiện rất tốt việc phân loại rác thải. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thực hiện điều này với Việt Nam?

Chính phủ Nhật Bản cũng phải mất 10 - 20 năm để người dân nhận thức và hợp tác về tách nguồn rác thải. Thời gian đầu thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Chính quyền địa phương phải thường xuyên, bám sát địa bàn trong thời gian dài để hướng dẫn người dân phân tách rác thải trong gia đình. Ngoài ra, tại hệ thống trường học, hầu hết học sinh đều được học và nhận thức rõ vấn đề nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường. Từ đó, có ý thức tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn.

Xã hội hóa thu gom và xử lý chất thải

- Ông đã trải qua một thời gian dài nghiên cứu về hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn tại VN. Ông nhận xét gì về hiện trạng này?

Việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn nhiều bất cập. Trong đó, phần lớn nguyên nhân là do hạ tầng thu gom, xử lý chưa đồng bộ. Sự hoàn thiện từng bước hạ tầng cho lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải mà các bạn đang thực hiện sẽ cải thiện tình trạng này trong thời gian gần. Tôi thực sự muốn thấy Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong việc quản lý chất thải trong khu vực Đông Nam Á.

- Sự thiếu quản lý đối với lực lượng thu gom rác dân lập là nguyên nhân chính khiến chất lượng xử lý chất thải cũng như hiệu quả dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn tại Việt Nam đạt mức thấp. Vậy theo kinh nghiệm của ông, cần khắc phục nhược điểm trên như thế nào?

Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, việc thu gom và xử lý chất thải phải được xã hội hóa cho các công ty tư nhân. Và các công ty tư nhân phải tuân thủ theo chính sách của thành phố. Tại Việt Nam, để khắc phục được thực trạng trên, nhất thiết phải hợp nhất lực lượng thu gom rác dân lập dưới hình thức những công ty tư nhân, tổ chức xã hội. Có như thế mới tạo cơ sở để quản lý và buộc họ tuân thủ chính sách quản lý của nhà nước.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn không chỉ phụ thuộc lực lượng thu gom mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân. Do vậy, cơ quan chức năng cần lắng nghe quan điểm của người dân một cách cẩn thận và cải thiện hệ thống xử lý chất thải dựa trên việc trao đổi với mọi người. Thu thập các thông tin đáng tin cậy như việc đánh giá tình trạng hiện tại của khí hậu và dự đoán tương lai. Lưu ý là các số liệu phải tuyệt đối chính xác.

- Được biết, hiện Chính phủ Nhật Bản đang giúp TPHCM tái thực hiện dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn tại quận 1 và quận Bình Thạnh, ông nghĩ sao về ý nghĩa của việc hỗ trợ cho dự án này?

TPHCM đã trải qua thời gian khá dài để thực hiện dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đáng tiếc là kết quả thực hiện chưa tốt như mong đợi. Song phải thấy rằng, để có thể thực hiện được chương trình này, thành phố cần phải giải quyết các vấn đề từng bước một, thậm chí phải giải quyết trong thời gian dài. Hiện thành phố đang có rất nhiều cố gắng để cải thiện hệ thống quản lý chất thải một cách nghiêm túc. Đó là lý do tại sao tôi đã tham gia hỗ trợ TPHCM từ năm 2012 đến nay. Và nếu thành phố không từ bỏ chương trình này, tôi tin rằng Chính phủ Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ TPHCM.

 
 
  • Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM:

Phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN) là chương trình trọng điểm được TPHCM rất quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt chương trình 3T (Tiết giảm - Tái chế - Tái sử dụng).

Chất thải cũng được xem là nguồn tài nguyên quý giá nếu được phân loại và xử lý hợp lý. Về lợi ích môi trường, việc PLCTRTN giúp giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, giảm khối lượng nước rỉ rác cần xử lý. Từ đó, giảm rủi ro về ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt trên địa bàn thành phố. Quan trọng hơn, việc triển khai PLCTRTN góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2012 - 2015, chương trình sẽ triển khai chọn lọc trên một số đối tượng có kết hợp với hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản lý. Cụ thể, sẽ chọn triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao; các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố; các cơ quan trường học; các khu dân cư cao cấp và khu đô thị mới và các chợ đầu mối. Đây là những đối tượng có điều kiện kinh tế, nhân sự và hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch sẵn hệ thống thu gom riêng chất thải hữu cơ, chất thải còn lại; dễ dàng hình thành thói quen, hành vi thân thiện với môi trường. Về quản lý, lực lượng thu gom rác là lực lượng chính quy, do các công ty dịch vụ công ích quận huyện và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị đảm nhận nên rất thuận lợi cho công tác tập huấn và quản lý chất lượng thu gom theo rác đã phân loại. Còn về hạ tầng xử lý, hiện thành phố đã đưa vào vận hành 3 nhà máy tái chế rác thải thực phẩm thành phân compost với công suất tiếp nhận khoảng 2.000 tấn rác/ngày và 1 nhà máy tái chế rác vô cơ thành dầu diesel sinh học.

  • Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM:

Việc Nhật Bản hỗ trợ TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn là điều đáng quý. Đây là nước có nhiều kinh nghiệm và cũng là nước có công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại hàng đầu thế giới. Điểm khác biệt của TPHCM so với Nhật Bản là tại nước ta tồn tại hai lực lượng: Lực lượng thu gom rác dân lập và đội thu mua phế liệu. Hai lực lượng này hiện không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thu gom cũng như hiệu quả tái chế rác thải. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách, cơ chế sao cho phù hợp và chấp nhận sự hiện hữu của họ trong hệ thống quản lý chất thải rắn. Kế đến, cần thiết thay đổi khái niệm về quản lý chất thải. Quản lý chất thải không dừng ở hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý mà cần quản lý một cách tổng hợp theo chương trình 3T. Để làm được điều này cần thiết phải thực hiện cho được chương trình PLCTRTN - một trong những chương trình mà TPHCM theo đuổi nhiều năm qua nhưng còn nhiều bất cập. Lợi ích của việc triển khai thành công chương trình này không đơn thuần là giảm được lượng rác chôn lấp và những chi phí liên quan mà quan trọng hơn, nó thực sự biến rác thải thành nguồn tài nguyên vô tận.

Kinh nghiệm khảo sát thực tế tại Nhật Bản cho thấy, tại mỗi thành phố khác nhau, người dân có trình độ dân trí khác nhau sẽ có những chương trình phân loại khác nhau. Đơn cử như tại TP Tokyo, người dân sẽ phải phân loại rác thải thành 9 loại. Còn tại TP Osaka, rác thải được người dân phân làm 5 loại. Những thành phố khác rác có thể phân làm 2 - 3 loại. Như vậy, tại TPHCM, hiện cũng có những khu vực dân cư có cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí khác nhau. Do vậy, thành phố cũng nên có sự điều chỉnh chương trình cho phù hợp với điều kiện của từng khu vực. Có như vậy sẽ góp phần cải thiện, từng bước nâng cao hiệu quả chương trình PLCTRTN.

MINH XUÂN (ghi)

 
 

ÁI VÂN thực hiện


 


Số lượt người xem: 5632    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm