• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
3
2
0
2
Tin tức sự kiện 21 Tháng Mười 2014 3:10:00 CH

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Cần rà soát việc thực hiện ở địa phương

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đã được thực hiện tương đối hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được ở nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Quy hoạch còn thiếu thực tế
 
Theo Bộ TN&MT, rà soát kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy một số tồn tại về chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không đáp ứng đầy đủ cho phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương. Bên cạnh đó, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án được xác định chưa phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.
 
 
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đã được thực hiện tương đối hiệu quả. Ảnh:  Hoàng Minh
 
Nguyên nhân của những tồn tại là do, nhiều địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch ngành và  quy hoạch sử dụng đất; Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt chưa nghiêm và chưa có chế tài mạnh. Đặc biệt, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới, khu liên hợp nông - công nghiệp - dịch vụ với diện tích lớn, dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp.
 
Đơn cử, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai 2003 cho thấy, quỹ đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp đang thực hiện theo kiểu phong trào tại các địa phương khiến lãng phí nguồn lực đất đai mà điển hình là diện tích lấp đầy mới chiếm 46% tại 264 khu công nghiệp ở Việt Nam. Điều này cũng khiến sự bất bình của một bộ phận nông dân bị mất đất nhưng sử dụng lãng phí cho phát triển công nghiệp.
 
Tăng cường thanh kiểm tra
 
Để việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương thực sự có hiệu quả đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cấp, ngành liên quan  tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa vi phạm và xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Bên cạnh đó, sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý: Pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính trong quản lý đất đai; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; đổi mới công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan tới lợi ích của người dân đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng “lợi ích nhóm” trong quản lý, sử dụng đất.  Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương.
 
Thực tế, Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể nhằm nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính. Quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
 
Đổi mới kế hoạch sử dụng đất hằng năm theo hướng phải thể hiện được nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, của các ngành, lĩnh vực, làm căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng chính sách tài chính về đất đai. Tăng cường kiểm tra, giám sát thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch sử dụng đất.
 
Đề ra các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội để khai thác tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, ven biển, hạn chế tối đa việc sử dụng đất chuyên trồng lúa. Từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, các đơn vị sự nghiệp tập trung đông người ra khỏi trung tâm thành phố, nhất là các thành phố lớn, để khai thác, sử dụng đất có hiệu quả theo quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông.
 
                                                                                                                                                                      Trường Giang

Số lượt người xem: 4242    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm