• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
3
1
3
9
8
Thông tin cần biết 30 Tháng Sáu 2020 9:00:00 SA

Chính phủ tập trung đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA

 

(HCM CityWeb) - Chiều 29/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình thực hiện các dự án ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại TP.

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng và lãnh đạo các Sở - ngành TP. 

 

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại TP

 

Báo cáo với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại TP, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, hiện TP đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn ưu đãi nước ngoài với tổng mức đầu tư là 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.732 tỷ đồng, vốn đối ứng của TP là 19.835 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường. 

 

Tính đến tháng 6/2020, lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 1.601 tỷ đồng, tương đương với 10,31% kế hoạch vốn giao. Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm là do một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện như: dự án Giao thông xanh, Vệ sinh môi trường TP - giai đoạn 2… Còn dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới được phê duyệt điều chỉnh. Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của các dự án, nhất là khi các chuyên gia nước ngoài, hàng hóa thực hiện dự án Metro số 1 chưa thể sang Việt Nam.

 

Lãnh đạo TP kiến nghị Phó Thủ tướng bố trí kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm cho TP. Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản để đề xuất sử dụng vốn kết dư là 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2. Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung còn lại cho dự án; thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung còn lại cho dự án; hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đến hết ngày 30/12/2026, cũng như điều chỉnh lịch trả nợ cho hai khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức cho tuyến metro Bến Thành - Tham Lương.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

 

Đối với dự án tuyến Metro số 2 hiện cũng đang khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, dự án này có 2 phần là cấu phần đầu tư và bồi thường GPMB; sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì 2 cấu phần này cũng đạt được yêu cầu của Trung ương nhưng quy định hiện nay là khi điều chỉnh tổng mức đầu tư không được vượt quá tổng mức mà Bộ Chính trị đã duyệt. Dự án có kinh phí bồi thường GPMB là 3.400 tỷ đồng nhưng khi tổ chức thẩm định lần cuối vào năm 2020 và ban hành hệ số điều chỉnh giá, tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ TP thực hiện các thủ tục hiệp định vay đã ký kết với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, các thủ tục đóng lại một phần khoản vay để tránh phát sinh phí cam kết. Bên cạnh đó, xem xét cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc cho dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TPHCM năng lực giải ngân không thiếu, nhưng thời gian vừa qua chậm là do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Vì vậy, sắp tới, mong các Bộ, ngành giúp TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, công tác GPMB đã cơ bản và TP đang tập trung hoàn thiện công tác GPMB để đến năm 2021 khởi công tuyến metro Bến Thành - Tham Lương.

 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, vấn đề giao thông đang là bài toán thách thức rất lớn đối với sự phát triển của TP. Hiện áp lực về dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông lại phát triển không đồng bộ. TP đã xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhưng vấn đề là phát triển giao thông công cộng như thế nào cho phù hợp. Chủ tịch UBND TP mong muốn Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ TP để sớm tháo gỡ các khó khăn.

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, do đó, trong những tháng cuối năm 2020, Chính phủ tập trung đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc TP đã chủ động, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc tạm ứng ngân sách của TP cho dự án Metro số 1 để kịp tiến độ vận hành thương mại vào cuối năm 2021.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, một trong dự án quan trọng mà nguồn vốn có khả năng giải ngân trong năm 2020 là dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nếu giải quyết một số vấn đề trong giải ngân cho tuyến metro này sẽ tăng giải ngân cho TP nói chung.

 

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ, ngành tập trung phối hợp với TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đây là nhiệm vụ quan trọng đối với TP nói riêng và cả nước nói chung trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

 

Về đề nghị cơ chế cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, có thể giải quyết được ngay không chỉ riêng cho dự án Metro số 1, mà cả chuyên gia của các lĩnh vực khác. Thành phố cần có văn bản tổng hợp, báo cáo và đề xuất nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

 

Đối với vấn đề xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là tiền Yên hay tiền Đồng (dự án Metro số 1), Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất lại với Bộ Tài chính, sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc này để địa phương có cơ sở đẩy nhanh tiến độ dự án.

 

Việc hoàn tiền TP đã tạm ứng cho dự án Metro số 1, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn thủ tục hoàn ứng ngân sách. Đối với dự án giao thông xanh sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, TP cần tranh thủ nguồn vốn này.

 

Liên quan vấn đề gia hạn các hiệp định vay, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho hay: Về nguyên tắc gia hạn các hiệp định vay nếu như sử dụng hết hạn. Do đó, TP chủ động phát hiện các hiệp định vay sắp hết hạn để trình HĐND TP cho ý kiến để tránh những thủ tục phức tạp.

 

Về dự án mới giai đoạn 2021 - 2026, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Về cơ bản, giai đoạn 2021 - 2026, các dự án ODA hầu như không có mà chủ yếu các nguồn vốn vay ưu đãi và TPHCM nằm vào nhóm phải vay lại 100%. Do đó, TP cân nhắc kỹ nguồn vay, hiệu quả. 

 

 

Nguồn: HCM CityWeb

 


Số lượt người xem: 595    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm