Trong hơn 110 trang của Đề án về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho thành phố gửi cho Bộ Nội vụ để thẩm định, trình Chính phủ ban hành, UBND TP HCM kiến nghị phân cấp cho thành phố trên 7 lĩnh vực với 40 nội dung.

Nhiều bất cập cần sửa

Nêu lý do xây dựng đề án phân cấp mới, UBND TP HCM cho biết quá trình thực hiện Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố, TP HCM đã đạt một số kết quả nhất định, giúp đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND, UBND thành phố. 

Mặt khác, giúp TP HCM khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh với thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, tương ứng vị trí, vai trò của một đô thị đặc biệt đối với cả nước và khu vực. Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện, Nghị định 93 đã có những bất cập cần được thay thế hoặc bổ sung, sửa đổi khi nhiều nội dung phân cấp không còn phù hợp pháp luật hiện hành, không còn phù hợp thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy cho TP HCM phát triển. Theo đó, UBND TP HCM đã nêu, phân tích các quy định hiện hành và tính cấp thiết của việc phân cấp tối đa cho thành phố trong đề án.

Cụ thể, trong lĩnh vực đô thị, tài nguyên và môi trường, TP HCM kiến nghị được phân cấp việc điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư và ngược lại... nhằm tạo điều kiện cho TP HCM chủ động quyết định tính khả thi khi xây dựng nhà ở tại các dự án khu đô thị, phù hợp nhu cầu, thời điểm. "Hiện, theo quy định, việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP HCM thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Quy trình này hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tốc độ phát triển, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong từng giai đoạn. Do đó, UBND TP HCM đề xuất được phân cấp thẩm quyền này" - UBND TP HCM lập luận. 

Một số nội dung khác được TP HCM đề xuất phân cấp trong lĩnh vực này như: điều chỉnh quyết định của Thủ tướng về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong một số trường hợp... Về kinh tế, UBND TP HCM kiến nghị được phê duyệt đề án thành lập doanh nghiệp do UBND TP HCM nắm giữ 100% vốn điều lệ và là đại diện chủ sở hữu; quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể với doanh nghiệp do UBND TP HCM thành lập...

Phân cấp mạnh để TP HCM bứt phá - Ảnh 1.

Thiếu biên chế hành chính và người hoạt động không chuyên trách đang là bài toán nan giải của TP HCM. Trong ảnh: Cán bộ quận 4, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Vừa qua, Đoàn ĐBQH TP HCM đã có đợt giám sát các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong báo cáo giám sát của Đoàn, chúng tôi sẽ có kiến nghị về vấn đề phân cấp cho TP HCM được quyết biên chế hành chính cũng như số lượng người hoạt động không chuyên trách".

VĂN THỊ BẠCH TUYẾT,
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM

Đặc biệt, theo UBND TP HCM, thời gian qua, thành phố gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng cán bộ, công chức, viên chức không thể đáp ứng nhu cầu, nhất là từ khi thực hiện Nghị định 34/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Vì vậy, TP HCM đề nghị phân cấp cho UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định biên chế hành chính, số người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. 

Lý giải đề xuất này, UBND TP HCM cho biết thành phố có số lượng dân số đông, dẫn đến nhu cầu giải quyết công việc cho người dân rất nhiều và gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành khác. Với số lượng biên chế được giao hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kịp thời theo tiến độ thời gian quy định của thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực.

Song song đó, UBND TP HCM cũng kiến nghị phân cấp cho UBND thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố, trình HĐND thành phố quyết định số người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn. Theo UBND TP HCM, do số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường đang được Chính phủ quy định theo phân loại (loại 1 là 14 người, loại 2 là 12 người và loại 3 là 10 người) không đủ khả năng đáp ứng và phục vụ các nhu cầu về quản lý nhà nước tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. 

TP HCM có 42/312 phường, xã, thị trấn có số dân trên 50.000 người, đặc biệt có 6 xã có số dân từ 100.000 người trở lên nên số lượng người hoạt động không chuyên trách theo quy định tại Nghị định 34/2020 không thể đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước.

Đến lúc phải tăng tính chủ động

Các kiến nghị trên của UBND TP HCM được chuyên gia, đại biểu HĐND TP HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng là hợp lý với một "siêu đô thị" như TP HCM.

Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng việc phân cấp cho TP HCM quyết định biên chế hành chính cũng như số lượng người hoạt động không chuyên trách là việc khẩn cấp nhất. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng đã có nhiều việc "không có hướng ra", vì đó toàn là những việc mà TP HCM không thể quyết được. Ông dẫn chứng TP Thủ Đức với 1,2 triệu dân, 34 phường mà chỉ có 3 phó chủ tịch UBND thành phố; số lượng biên chế thì giảm dần trong khi công việc hằng ngày giải quyết không xuể. 

Theo ông, khi chưa thực hiện Nghị định 34, cán bộ ở cơ sở đã thiếu vì khối lượng công việc nhiều nên thực hiện thì "thiếu càng thêm thiếu", các địa phương càng khó khăn. "Phải cho TP HCM chủ động sắp xếp để có sự bố trí phù hợp, chứ như 62 tỉnh, thành thì cực khó. Có như vậy thành phố mới phát triển được và bảo đảm khối lượng công việc, cán bộ có động lực làm việc" - ông Cao Thanh Bình nêu.

ĐBQH Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, cũng cho rằng ở thành phố có nhiều huyện địa bàn rất rộng như Bình Chánh nhưng cơ cấu biên chế theo khung, dù cán bộ giỏi cỡ nào cũng không quản lý xuể, không theo kịp. Trong đó, phần đông là dân nhập cư, quản lý rất khó khăn, kéo theo các vấn đề xã hội, đặc biệt là xây dựng trái phép và nhiều việc phải chạy theo. "Nếu đơn vị trên 100.000 dân thì một là tăng biên chế, hai là thành lập mới. Không phải chúng ta xé ra nhưng với bộ máy như thế thì không thể theo kịp tình hình" - đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề xuất.

Ủng hộ kiến nghị của UBND TP HCM, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, cho rằng giao dịch hành chính ở một thành phố có nhịp sống sôi động bậc nhất nước như TP HCM không thể giống như giao dịch hành chính ở các tỉnh, thành khác. Theo ông, phân cấp để tăng quyền tự chủ cho địa phương là hợp lý, khi đó công việc giải quyết càng nhanh, tạo điều kiện cho TP HCM phát triển bứt phá.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của cán bộ là phục vụ những vấn đề liên quan hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nếu không đủ nhân lực thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, kể cả đội ngũ làm công tác vận động quần chúng. "Nên phân cấp cho thành phố thẩm quyền này và HĐND TP HCM quyết định, thành phố chịu trách nhiệm về chi phí để "nuôi" bộ máy, trung ương vào kiểm tra xem tính hợp lý như thế nào. Chứ đánh đồng giữa TP HCM với các tỉnh với cơ chế "bổ đồng, phân đều" như hiện nay là rất khó khăn cho thành phố" - bà Văn Thị Bạch Tuyết nói. 

Cần có Luật Đô thị đặc biệt

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, phân tích Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tiêu chuẩn các đơn vị hành chính và phân loại các đơn vị hành chính tỉnh, thành, quận, huyện, thị xã, thị trấn, phường, xã... Tuy nhiên, đánh giá, nhìn nhận sau 5 năm thực hiện theo báo cáo của Bộ Nội vụ thì chỉ có 118/705 đơn vị cấp huyện đạt được tiêu chí, còn lại 83% không đạt; chỉ có 1892/10.599 đơn vị cấp xã đạt được tiêu chí, còn lại trên 82% không đạt.

Do đó, ông đề nghị Đoàn ĐBQH TP HCM cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét lại Nghị quyết 1211/2016.

Ngoài việc rà soát, kiến nghị chỉnh sửa Nghị quyết 1211, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng TP HCM cần tính thêm về Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Nghị quyết này kéo dài 5 năm, đến năm 2022 thì coi như hết hạn nên cần phải tính lại. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị hai phương án: Một là, xin kéo dài Nghị quyết 54 thêm 2 năm nữa vì trong 2 năm 2020 và 2021 vướng dịch Covid-19 hoặc bổ sung một số điều cần điều chỉnh; hai là, đề nghị Quốc hội có Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM vì Hà Nội đã có Luật Thủ đô.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/phan-cap-manh-de-tp-hcm-but-pha-2021123020230036.htm