Ngày 15-3, Viện Hàn lâm khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Bùi Nhật Quang dẫn quy định tại Hiến pháp 2013 và nói rằng: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.

Sửa nhiều lần mà vẫn chưa triệt để

Theo ông Quang, từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi bốn lần. Tuy nhiên, những lần sửa đổi đó vẫn chưa triệt để, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Thực tế cho thấy bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập.

Sửa Luật Đất đai cần phải triệt để - ảnh 1
Các đại biểu tại hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng” - ông Quang nhận xét.

Theo ông Quang, từ những bất cập trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 là: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh”. Một trong những nguồn lực quan trọng đó có nguồn lực đất đai.

Đại hội XIII cũng đồng thời đưa ra các nhiệm vụ đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề đất đai như “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực đất đai”.

Hiện trạng sử dụng nguồn lực đất đai

PGS-TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới là nguồn lực đất đai phải được sử dụng có hiệu quả tổng hợp cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước.

Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận định: Tiềm lực đất đai hiện nay vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tình trạng đầu cơ đất, lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn ra phức tạp.

Tuy vậy, cơ hội và thách thức đối với việc quản lý, sử dụng đất đang lộ diện và yêu cầu hiện nay là phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý, sử dụng đất để không chỉ giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, mà còn tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ông Sơn cho rằng cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất thời gian qua, như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, để từ đó có những giải pháp hiệu quả...

Cần sửa mạnh cơ chế tài chính đất đai

TS Vũ Đình Ánh điểm lại Luật Đất đai cứ 10 năm sửa một lần nhưng “sở hữu đất đai toàn dân” ít được bàn đến. Bởi vậy, điều cần thiết trong thời gian tới có lẽ nên tập trung vào sửa cơ chế tài chính với đất đai. Luật Đất đai hiện hành quy định toàn bộ khoản thu từ đất đai nhưng không quy định về chi cho đất đai.