• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
9
5
9
9
2
Tin tức sự kiện 07 Tháng Năm 2020 8:25:00 SA

Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020

 

(HCM CityWeb) - Ngày 5/5, UBND TPHCM đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự có Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; các Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Ngô Minh Châu, Võ Văn Hoan, Dương Anh Đức; lãnh đạo các sở, ngành TP; các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TPHCM.

 

Đoàn kết một lòng, nỗ lực cùng nhau hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra 

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Thời gian qua, TP đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân.

 

Trong quý I/2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của TP, chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,64%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1986 đến nay.

 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: Với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, TP luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài, sự tăng trưởng chậm lại của TP sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, việc tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP là việc cần thiết cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy sự phát triển kinh tế của TP.

 

“TP chúng ta đang đứng trước khó khăn lớn do tác động từ dịch bệnh gây ra, điều này nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Ngay tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân TP đã đoàn kết một lòng, nỗ lực hơn nữa cùng nhau hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra là vừa giữ vững thành quả phòng chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế trong tình hình mới” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

Nhấn mạnh ý nghĩa của buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM 2020” nhằm mục đích ghi nhận các ý kiến đóng góp từ chuyên gia kinh tế, lắng nghe các vướng mắc khó khăn từ phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ; các hiệp hội ngành nghề, làm cơ sở để tiếp tục đánh giá theo chiều sâu tác động của đại dịch này đến một số ngành kinh tế chủ lực của TPHCM trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

 

Và cũng qua buổi tọa đàm này, lãnh đạo TP mong muốn được lắng nghe các kế sách, cũng như sự tham vấn từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giúp lãnh đạo TP đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế của TP từng bước vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển sau dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi chiến sĩ trên mặt trận kinh tế phải cùng chung tay để biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội để khôi phục lại sự phát triển kinh tế TP."

 

 

Bổ sung thêm các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp

 

Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch phát biểu tại buổi tọa đàm

 

 

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các chuyên gia, hiệp hội, hội doanh nghiệp (DN) ngành nghề TP đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ, TPHCM trong việc hỗ trợ DN trước tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp cho sự khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong năm 2020.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, chỉ số tăng trưởng của TP, tính từ đổi mới đến giờ, chưa bao giờ TP suy giảm thế này. Nếu điểm lại các giai đoạn, thời điểm 1997-1999, khủng hoảng tài chính đã kéo TP đi xuống. Năm 2000 khi có Luật Doanh nghiệp mới, TP đã phát triển vượt bậc. Năm 2008-2011, khủng hoảng, kinh tế TP đã giảm sút. Đó là thời điểm mà nếu không nhận thức được sẽ không nắm bắt được thời cơ.

Để khôi phục kinh tế TP, Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: TP sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP trong điều kiện “bình thường mới”; triển khai có hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ đang thực thi trên địa bàn TP, đồng thời bổ sung thêm các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công.

Bên cạnh đó, TP cần xây dựng một Chương trình phục hồi tăng trương kinh tế “hậu Covid-19” theo hai giai đoạn để vừa khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ” như tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.

Đề cập đến việc tái hoạt động trở lại của doanh nghiệp, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng – Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, mức độ thiệt hại, về doanh thu, thất thu ngân sách, tập trung vào ở những khu vực thương mại dịch vụ, du lịch, nhóm ngành công nghiệp có khả năng chiếm tỉ trọng lớn. Vì vậy, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng đề xuất giải pháp cần tái cấu trúc lại định hướng về thị trường, đặc biệt thị trường trong nước; tập trung khôi phục khai thác những sản phẩm tại thị trường hiện có có giá trị nội địa, thay đổi về phương thức kinh doanh…

 

Phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn

 

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, đến ngày 5/5, toàn thế giới đã có 212 nước có người mắc Covid-19 với 3,6 triệu người mắc, hơn 251.570 người chết và 2,196 triệu người đang được điều trị trong các bệnh viện.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 nổ ra tại Trung Quốc đã lan sang 212 nước, song đến nay lây nhiễm và chết chủ yếu ở 10 nước có số người nhiễm từ 100.000 trở lên (Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran). Tổng số người mắc Covid-19 ở 10 nước này chiếm 75% tổng số người mắc và chiếm 78% tổng số người chết trên toàn cầu.

Hiện nay, mỗi ngày vẫn tăng thêm 80.000 người mắc Covid-19. Diễn biến lây lan dịch ở 212 nước còn lại thế nào trong tháng 5/2020 đến tháng 12/020 chưa dự báo được. Song, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đối với một số nước là đối tác chủ yếu của Việt Nam trên 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch thì việc theo dõi, dự báo khi nào họ hết dịch để có sự chủ động trong hợp tác phát triển kinh tế là rất quan trọng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau (từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020).

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu lên một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19. Đồng thời, ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp bằng sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Cùng với đó, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Mặt khác, thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp và hình thành cơ sở số của các ngành kinh tế, hạ tầng TP như thông tin về du lịch TP, công nghệ thông tin, ngành cơ khí… Từ đó, doanh nghiệp khai thác và lập kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số của từng doanh nghiệp, từng ngành. Trên cơ sở đó, thực hiện quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư công của TP, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TPHCM đang đầu tư khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2 và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu thực hiện biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt là việc phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TPHCM, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TPHCM, phát triển hạ tầng TPHCM, phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.

 

 

Nguồn: HCM CityWeb

 


Số lượt người xem: 496    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm