• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
4
6
9
6
3
Tin tức sự kiện 22 Tháng Tư 2021 1:35:00 CH

Triển khai xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

 

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị, tham dự Hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và thuộc Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.

 

Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi, tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, nổi bật là Luật Quy hoạch, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và ký kết các Hiệp định liên quan với các nước có chung đường biên giới biển.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nghị quyết xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan liên quan, trong đó có xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch quốc gia, ngành, lĩnh vực.

Việc triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm triển khai các chính sách quan trọng. Trong đó, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân và Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi chủ trì cuộc họp

Đồng thời, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với bảo vệ môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ trưởng đánh giá, Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ rất khó và phức tạp, từ việc xác định phạm vi, nội dung, phương pháp thực hiện đến quá trình phối hợp với các cơ quan liên quan, trong khi đó kinh nghiệm lập quy hoạch liên quan đến biển ở nước ta còn mới và hạn chế.

Quang cảnh Hội thảo

Thứ trưởng mong muốn: “Thông qua việc tổ chức Hội thảo, sẽ nhận được các chia sẻ của đại biểu về kinh nghiệm của quốc tế và các đề xuất cho quá trình lập quy hoạch biển của Việt Nam; cung cấp cơ sở cho việc xác định trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch, từ đó đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch chỉ đạo, phân công cho các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban, bộ và địa phương có biển phối hợp triển khai; và xác định một số định hướng ban đầu về quy hoạch phát triển của một số ngành kinh tế biển quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Tổng Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi giới thiệu về các điểm chính của Nhiệm vụ lập quy hoạch

Giới thiệu về các điểm chính của Nhiệm vụ lập quy hoạch, Tổng Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, Quy hoạch được làm với phạm vi lớn, bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Việc lập quy hoạch nhằm tăng nhu cầu sử dụng không gian biển; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng và giảm thiểu các xung đột không gian trong sử dụng đa ngành. Đây là quy hoạch đa ngành, có phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Trong quy hoạch định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn về khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển. Với các nội dung: (1) Điều tra, khảo sát, thu thập các thông tin, dữ liệu liên quan phục vụ lập quy hoạch; (2) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên; nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian biển của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; (3) Dự báo xu thế biến động tài nguyên và môi trường; các tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên và môi trường; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ tài nguyên môi trường trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ quy hoạch; (4) Dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; đánh giá cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng không gian biển.

Quy hoạch sẽ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái, trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định.

Đại diện Ngân hàng thế giới phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu được nghe và thảo luận các nội dung: Kinh nghiệm quốc tế về lập quy hoạch không gian biển; Định hướng quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo và sự tham gia của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Thực trạng và định hướng quy hoạch phát triển các đô thị ven biển trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Định hướng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo và sự tham gia của Bộ Công thương trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Định hướng quy hoạch phát triển thuỷ sản và sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

 

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

Cổng TTĐT


Số lượt người xem: 692    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm