• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
3
7
6
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 21 Tháng Chín 2018 8:30:00 SA

Xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn

 

 

 
Thực hiện Chương trình “Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã phối hợp và triển khai thực hiện ở 2 huyện Cần Giờ và Bình Chánh.
 

Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được gần 300 mô hình “Tổ tự quản về bảo vệ môi trường”. Mô hình “Tổ tự quản về bảo vệ môi trường” sẽ được lồng ghép với các chương trình “nông thôn mới”, “đô thị văn minh” để tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn  ảnh 1
Trồng cây xanh ở khu vực huyện ngoại thành Bình Chánh góp phần tăng mảng xanh cho thành phố
 
Môi trường suy thoái 


Bình Chánh là một trong 5 huyện ngoại thành, là địa bàn cửa ngõ phía Tây Nam của TPHCM, có quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Trong nhiều năm qua, huyện Bình Chánh đã có những bước phát triển dựa vào các lợi thế nguồn lực sẵn có cộng với tác động tích cực của công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, huyện Bình Chánh đang gánh nhiều hậu quả từ mặt trái của sự phát triển, đó là suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Ghi nhận thực tế tại xã Vĩnh Lộc A cho thấy, hầu hết kênh rạch ở các khu công nghiệp và khu dân cư đều có màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu. Không những thế, ở ấp 5, đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, người dân còn đang phải sống chung với bụi bẩn do lượng phương tiện giao thông lưu thông qua đây đông đúc. Trên tuyến đường này còn phát sinh rất nhiều điểm rửa xe để nước chảy ra đường lênh láng, kèm theo bọt tuyết nhìn rất mất mỹ quan. 

Tương tự, tại xã Lê Minh Xuân và xã Phạm Văn Hai, các tuyến kênh trong khu dân cư đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước kênh có màu đen, bốc mùi hôi. Đặc biệt, nước kênh luôn có nhiều váng dầu mỡ xuất hiện, đặc quánh thành từng mảng lớn, gây ách tác dòng chảy. Theo người dân ở đây, dầu mỡ này là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xung quanh khu vực xả ra và người dân đã nhiều lần phán ánh qua các buổi họp tổ dân phố; thế nhưng, tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Không chỉ có thế, người dân ở xã Lê Minh Xuân, xã Phạm Văn Hai và xã Tân Kiên còn đang đối mặt với tình trạng rác thải sinh hoạt bị xả vô tội vạ ra môi trường, rất nhiều bãi đất trống đã trở thành nơi đổ rác của một số người dân. Rác bỏ không đúng nơi quy định đã gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân ở khu vực này. 

Theo ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, vấn đề rác thải, nước thải ở huyện Bình Chánh đang còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Để xử lý môi trường ở huyện Bình Chánh, Sở TN-MT TPHCM đã phối hợp với UBND huyện Bình Chánh triển khai mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ tự quản có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, như phong trào “15 phút ngày chủ nhật xanh” hàng tuần, phát triển cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và giám sát việc bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện đúng quy định của việc xả rác, phân loại rác đúng quy định; hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy; tích cực dọn dẹp vệ sinh nhà ở và khu vực công cộng. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Chánh, cho biết xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển của TPHCM nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng cũng như đối với việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, huyện Bình Chánh đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình  để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, huyện chú trọng đến các đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; xử lý nước thải trong chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh. “Để góp phần vào sự thành công trong công tác bảo vệ môi trường, chúng ta không chỉ cần những người quản lý giỏi, chính sách hay mà còn rất cần đến sự đồng thuận và chấp hành của mọi tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng”, ông Nguyễn Văn Hồng cho hay. 

Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2018, huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở TN-MT TPHCM triển khai chương trình “Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” và lựa chọn thực hiện thí điểm tại xã Bình Chánh, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình trên địa bàn 15 xã, thị trấn còn lại. 

Nhân rộng mô hình tổ tự quản 

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thành phố, kinh tế nông thôn cũng đang trong giai đoạn chuyển mình phát triển. Các làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của địa phương cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Song sự phát triển đó cũng đang tạo ra sức ép lớn đối với môi trường sống. Trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất dịch vụ thương mại không tránh khỏi phát sinh chất thải và nếu chất thải phát sinh không được thải bỏ, thu gom đúng quy định sẽ làm xấu cảnh quan, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và kết quả chỉ đạt được nếu có sự tham gia, chung tay của cả cộng đồng, trong đó người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Không ai khác chính người dân là những nhân tố có thể bảo vệ môi trường sống của mình một cách hiệu quả nhất. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết vào tháng 12-2017, sở đã triển khai mô hình “Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và trong tháng 8-2018 triển khai tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Sau thời gian triển khai ở 2 huyện này, ban tổ chức sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả những mặt đạt được để tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Chương trình “Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” là một trong những nội dung trọng tâm trong Kế hoạch 05 của Thành ủy TPHCM về chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố trong năm 2018. Mục tiêu của chương trình hướng đến việc thành lập và đưa vào các hoạt động tổ tự quản về bảo vệ môi trường. Các tổ tự quản sẽ vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường làng, ngõ xóm; trồng và chăm sóc cây xanh, cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ... nhằm phát triển cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

 

Nguồn: SGGPO 


Số lượt người xem: 2387    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm