• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
4
8
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 13 Tháng Mười 2018 8:45:00 SA

Bộ TN&MT tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa

 

 





 
Ngày 12/10, Bộ TN&MT phát động “Phong trào chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa. Tại Lễ phát động, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, tổ quốc tế, đại sứ quán và doanh nghiệp cùng cam kết không sử dụng rác thải nhựa. Nhân sự kiện này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.
 

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường

PV: Xin ông cho biết, Bộ TN&MT phát động “Phong trào chống rác thải nhựa” với mục tiêu gì?

Ông Hoàng Văn Thức: - Rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Các sản phẩm từ nhựa và ni lông ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí, hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam còn rất khiếm tốn. Việc tái chế được thực hiện chủ yếu tại các làng nghề, công nghệ lạc hậu bởi thế việc tái chế còn tiếp tục phát sinh ô nhiễm. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện rộng khắp là nguyên nhân chính yếu khiến việc tái chế rác, nhất là rác thải nhựa chưa có hiệu quả.

Việc hạn chế rác thải nhựa đòi hỏi vừa có chính sách sản xuất, phân phối, kiểm soát phù hợp, vừa cần tinh thần tự giác của người dân, bởi việc sử dụng đồ nhựa đã trở thành thói quen ăn sâu vào lối sống của người dân. Bởi thế, Bộ TN&MT phát động “Phong trào chống rác thải nhựa” nhằm vào cả hai mục đích. Thứ nhất là vận động cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa, trong đó, các cơ quan hành chính, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, người nổi tiếng sẽ “làm mẫu” như những điển hình. Thứ hai, từ việc tuyên truyền này, các Bộ, ngành, địa phương cũng có các chính sách nhằm kiểm soát việc sản xuất, sử dụng đồ nhựa.

PV: Ông có nói đến việc các cơ quan chính quyền, các Bộ, ngành sẽ là những người tiên phong trong phong trào này. Điều này đã được hiện thực hóa ở Bộ TN&MT như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức:Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông, chung tay bảo vệ môi trường, ngay từ tháng 6, Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Hầu hết các cơ quan trọng Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. Việc làm này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị, đối tác, người hưởng lợi từ hoạt động dự án của tổ chức không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có Văn bản số 4907/BTNMT-TĐKTTT phát động Phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”. Bộ trưởng mong muốn, mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành TN&MT hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần. Những tập thể, cá nhân làm tốt sẽ được khen thưởng.

 

Bộ TN&MT kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa. Ảnh: MH

Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục Môi trường cũng đã tập trung triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông trong các cơ quan, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần; đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông; trình ban hành các kế hoạch, lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần trong các công sở, cơ quan hành chính tại địa phương; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm; tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ của việc ô nhiễm nhựa và ni lông; tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy thực hiện các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về vấn đề ô nhiễm nhựa và ni lông; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật môi trường đối với vấn đề ô nhiễm các sản phẩm nhựa và ni lông nghiêm trọng.

PV: Thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa đang khá phổ biến ở Việt Nam. Vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các loại vật dụng nhựa này?

Ông Hoàng Văn Thức: Hiện, không có quy định nào bắt buộc người dân phải sử dụng chai kim loại hay ngừng dùng túi ni lông, nên việc tìm vật liệu thay thế là điều rất quan trọng, để thay đổi thói quen của toàn xã hội. Và giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa. Việc tái chế nhựa tiêu thụ ít hơn 88% năng lượng so với làm mới. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Bộ TN&MT đã tiếp thu những kiến nghị của Hiệp hội Nhựa Việt Nam trong việc đề xuất và hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhựa trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực tái chế nhựa.

Để từng bước hạn chế nguồn rác thải nhựa, nhất là rác thải từ túi ni lông ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa; phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi ni lông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại. Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm…

Rác thải nhựa là vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt và chưa có phương án xử lý ổn thỏa. Do đó, trước mắt, chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương. Từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường như mở rộng hệ thống sản xuất có trách nhiệm, kiềm chế gia tăng nhựa sử dụng một lần, đưa nhựa về nơi tái chế…

Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích, thay đổi hành vi, xây dựng lối sống thân thiện đối với môi trường của người dân. Trong đó, cần thực hiện các chương trình thúc đẩy người dân mua các sản phẩm có ít bao bì, tái sử dụng các túi đựng nhiều lần, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy trong tự nhiên. Sớm ban hành chính sách khuyến khích, ký kết thỏa thuận giữa các cơ quan quản lý với các hiệp hội, công ty sản xuất bao bì, nhằm xây dựng và thực hiện theo lộ trình việc cắt giảm sản phẩm không thân thiện với môi trường; đồng thời, nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 1788    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm