• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
5
3
1
2
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 11 Tháng Chín 2018 1:35:00 CH

Gian nan chỉnh trang kênh rạch

 

 

 
TPHCM có khoảng 57 tuyến kênh rạch cần thực hiện công tác cải tạo môi trường. Các dự án cải tạo, di dời gần 22.000 căn nhà trên và ven 57 tuyến kênh rạch này là một phần của Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020.
 

Tuy nhiên, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện chương trình này, UBND TPHCM nhìn nhận, việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch còn hạn chế, chậm tiến độ.

Gian nan chỉnh trang kênh rạch ảnh 1        
 Nhà trên và ven kênh rạch ở quận 8, TPHCM                       Ảnh: Huy Anh
 
Còn nhiều vướng mắc 

Trên địa bàn TPHCM có khoảng 21.774 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc 61 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch đến năm 2020, TP phấn đấu hoàn thành di dời 10.000 căn. Tuy vậy, áp lực về nguồn vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch rất lớn. Thống kê cho thấy, số tiền cần để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư cải tạo và di dời nhà trên và ven kênh rạch lên đến 50.000 tỷ đồng và được phân loại thành 3 nhóm thực hiện.

Cụ thể: Nhóm 1 thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, gồm 52 dự án với 13.132 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 19.892 tỷ đồng. Theo đó, Nhà nước trực tiếp thực hiện chỉnh trang đô thị (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật) các tuyến rạch nhánh, nhỏ, không thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư. Nhóm 2 thực hiện theo hình thức đối tác công - tư  (PPP), gồm 6 dự án với quy mô  8.677 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 21.477 tỷ đồng. Phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất trong vùng phụ cận để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Về nhóm này, TP sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhóm 3 là đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 dự án, đã được các nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường 16,86/34,75ha nhưng còn dở dang. Quy mô di dời còn lại là 1.801 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay chương trình di dời chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới. Bằng nguồn vốn ngân sách, 7 dự án đã có chủ trương đầu tư với số lượng 2.204 căn. Hiện UBND các quận 4, 6, 7, Bình Thạnh đã thực hiện bồi thường được 1.678 căn. Một số dự án khác đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư với quy mô 7.910 căn, tổng mức bồi thường dự kiến 12.458 tỷ đồng, nhưng hiện cũng chỉ ghi vốn chuẩn bị đầu tư được 14 tỷ đồng. Riêng nhóm dự án thực hiện theo hình thức PPP với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, quận 8 và quận 7, di dời hơn 8.600 căn với kinh phí gần 21.500 tỷ đồng, hiện đã đi qua nửa chặng đường dự kiến nhưng kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn chậm. Nguyên nhân là do quỹ đất xây dựng nhà tái định cư của TPHCM hiện đang thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, kế hoạch này bị ách tắc còn do vướng mắc về phương án giải tỏa, di dời và tái định cư. Ngoài ra, một trong những vướng mắc lớn nhất là số tiền hỗ trợ cho người dân trong các trường hợp này thường rất ít, không đảm bảo để người dân có thể tìm kiếm chỗ ở mới, trong khi nhiều dự án tái định cư lại ở quá xa trung tâm TP, chất lượng không đảm bảo, nên phần lớn người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Cần ổn định cuộc sống người dân
 
Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, mới đây, UBND TPHCM nhìn nhận việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch còn hạn chế, chậm tiến độ. Mặc dù có chủ trương từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn 27 dự án chưa thực hiện các thủ tục đầu tư trình cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Theo kế hoạch của TP về di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 hoàn thành 6.646 căn, số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025. Theo đó, đối với nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, các dự án đã được ghi vốn bồi thường phải quyết liệt thực hiện hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 9 dự án (716 căn) chậm nhất vào cuối năm 2019, bàn giao mặt bằng thi công xây dựng dự án cải tạo chỉnh trang đô thị dọc tuyến kênh rạch. Các dự án đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư, chậm nhất đến quý 1-2019, thực hiện hoàn tất các công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án bồi thường, kịp ghi vốn khởi công mới trong đợt 1 và đợt 2 năm 2019. Phấn đấu hoàn tất công tác bồi thường 17 dự án (5.231 căn) vào cuối năm 2020. Các dự án chưa có chủ trương đầu tư, trình HĐND TPHCM (tại kỳ họp lần 10, khóa IX vào cuối năm 2018) thông qua chủ trương đầu tư 24 dự án, kịp bố trí vốn chuẩn bị đầu tư vào kỳ giao kế hoạch đầu tư công đợt 1 năm 2019. Triển khai các thủ tục về đầu tư, thủ tục về bồi thường; phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng 24 dự án (5.349 căn) vào năm 2021. Đối với nhóm dự án thực hiện theo hình thức PPP, hoàn thành di dời 1.620 căn (dự án rạch Xuyên Tâm); hoàn tất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án còn lại vào năm 2020. Còn đối với  nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị, hoàn thành di dời 1 dự án (504 căn), tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 2 dự án còn lại.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó có chương trình di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng TP xác định những mặt được và chưa được để đề ra giải pháp thiết thực, đồng thời tính toán các vấn đề phát sinh mới. Đối với việc tái định cư và bồi thường giải phóng mặt bằng nhà trên và ven kênh rạch không có cơ sở pháp lý rõ ràng, các sở ngành, quận huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý, tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư, gắn việc di dời nhà ở ven kênh rạch đồng bộ với việc ổn định đời sống của người dân. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng TP chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND các quận huyện tập trung phát triển quỹ nhà phục vụ tái định cư. Cụ thể, cân đối, điều chỉnh và sử dụng hiệu quả nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã hoàn thành để tái định cư cho các dự án thuộc chương trình; trong đó, ưu tiên giải quyết cho các đối tượng không đủ điều kiện bồi thường nhưng không còn nơi ở nào khác thuê để ở. Phát triển 20.000 căn hộ nhà ở xã hội theo kế hoạch của TP về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020, để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân được bồi thường nhưng giá trị bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại hoặc các hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện bồi thường, không còn nơi ở nào khác.
 
 
 
Nguồn: SGGPO 

 


Số lượt người xem: 2783    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm