• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
1
4
0
4
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 06 Tháng Mười Hai 2018 3:25:00 CH

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn trong điều kiện hiện nay

 

 



 
Ngày 23/11/2015, Luật khí tượng thủy văn (KTTV) với 10 Chương, gồm 55 Điều được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam toàn bộ các hoạt động KTTV trên lãnh thổ Việt Nam được quản lý, điều chỉnh bằng Luật. Luật KTTV ra đời là công cụ quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về KTTV, là thành tố quan trọng bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển toàn diện, đầy đủ; đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV với việc Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn và thi hành Luật KTTV, Bộ Tài nguyên ban hành 21 Thông tư ban hành các định mức kinh tế-kỹ thuật công tác KTTV và các quy định kỹ thuật, quy trình chuyên môn (dự kiến trong năm 2018 sẽ ban hành thêm 03 Thông tư và 06 Tiêu chuẩn kỹ thuật công tác KTTV); cùng với đó, việc Chính phủ thành lập Tổng cục KTTV để quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương về KTTV đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KTTV đặc biệt trên các mặt: Quan trắc, khảo sát KTTV; thông tin, dữ liệu KTTV; dự báo KTTV. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi tập trung đi sâu trao đổi về Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV trong điều kiện hiện nay.
 

1. Mở đầu

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển cho đến nay, ngành KTTV liên tục đổi mới và đạt được nhiều thành tựu, góp phần đáng kể trong sự phát triển của xã hội nói chung. Hiện nay, nước ta đang trong quá trình phát triển và tiến tới mục tiêu là dự báo, cảnh báo KTTV đạt độ chính xác cao, tiệm cận với trình độ dự báo của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện đại hóa công nghệ của toàn ngành KTTV, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực ngành là vấn đề đang được quan tâm giải quyết. Để đạt được điều đó, trước tiên chúng ta phải có sự thống nhất trong khâu quản lý, thống nhất trong quy trình hoạt động, cách thức hoạt động. Bên cạnh đó phải có tổ chức giám sát, có chế tài và chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động KTTV về mặt pháp luật. Ngoài ra, với sự thành lập, và hợp nhất của các đơn vị công lập hoạt động về lĩnh vực KTTV, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của ngành KTTV liên tục được đổi mới phù hợp với sự phát triển của xã hội, từ đó công tác quản lý Nhà nước cũng được nâng cao. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy quản lý Nhà nước đối với ngành KTTV vẫn còn một số vấn đề yếu kém và cần thiết  phải cải tổ nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế. Do trong những năm gần đây, tình hình KTTV trên phạm vi cả nước diễn biến phức tạp khó lường, biến đổi khí hậu làm gia tăng các rủi ro thiên tai ngày càng lớn, thiệt hại ngày càng nặng nề về cả người và của; bên cạnh đó nhận thức, kiến thức về thiên tai có nguồn gốc KTTV của một bộ phận cán bộ và đông đảo người dân còn hạn chế; trang thiết bị chưa được hiện đại hóa, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; nhiều yếu tố khó khăn khác chưa được khắc phục… Trên cơ sở đó, để khắc phục những hạn chế còn tồn đọng và thúc đẩy ngành KTTV phát triển, Tổng cục Khí tượng Thủy văn được thành lập thông qua Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ thướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và cơ cấu tổ chức của Tổng cục KTTV trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng cục KTTV tái thành lập chính là dấu mốc quan trọng cho sự  hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV, nhất là trong giai đoạn hiện nay, 2016-2020. Qua đó khẳng định rằng, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTV, trong đó có công tác khảo sát KTTV là hết sức cần thiết và quan trọng.

 

2. Thực trạng công tác KTTV ở Việt Nam

Dự báo KTTV là một công việc vô cùng quan trọng, đòi hỏi có độ chính xác cao. Tuy nhiên, công nghệ dự báo KTTV của Việt Nam hiện nay chỉ được đánh giá ở mức trung bình. Khoa học dự báo của Việt Nam, dù đã có nhiều tiến bộ so với trước kia nhưng việc dự báo thời tiết vẫn còn sai số do nhiều nguyên nhân như hệ thống quan trắc KTTV chưa đáp ứng được yêu cầu, công nghệ chậm được đổi mới, còn nhiều trạm quan trắc thủ công… Mặt khác một số cơ qua thông tin đại chúng còn đưa tin chưa đúng sự thật về các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc KTTV, do cố tình đưa sai lệch tin tức hay do sự cẩu thả trong cách đưa tin. Với những hành vi sai lệch như vậy thì phải xử lý như thế nào cho hợp lý? Những điều này cần phải được quy định rõ trong Luật để quản lý tốt hơn, tránh xảy ra những điều không mong muốn vì vẫn biết rằng dự báo chỉ mang tính chất “Dự” là chính do diễn biến phức tạp, khó lường của nó, thế nhưng làm thế nào, làm ra sao thì người làm công tác quản lý cần xem xét lại; đi cùng với đó việc quản lý nhà nước trong công tác dự báo nói riêng và các công tác KTTV nói chung cần thắt chặt hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa, tránh để tình trạng dự báo sai xảy ra nhiều lần, gây hậu quả nặng nề, cũng như những tình huống dở khóc dở cười khi dự báo sai.

Hiện nay, tuy công nghệ dự báo của Việt Nam đang dần tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế, tiếp cận được nhiều công nghệ rất mới nhưng khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải là hệ thống mạng lưới quan trắc còn thưa so với khu vực và yêu cầu cung cấp số liệu phục vụ dự báo. Ngoài ra, công nghệ của hệ thống này cũng cũ so với khu vực. Tỷ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, kém chính xác và không kịp thời, do đó công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn. Công nghệ dự báo ở Việt Nam vẫn còn mang tính thủ công nhiều, chưa đồng bộ.

Ngoài ra, nhân lực cũng là yếu tố khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Trên cả nước hiện nay mới có hơn 500 trạm quan trắc, với hơn 3.000 cán bộ, trong đó có 1.574 quan trắc viên và chỉ có 529 dự báo viên. Hầu hết các Đài KTTV tại các tỉnh chỉ có từ 5-7 người thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn cho cả tỉnh. Do lực lượng quá mỏng, công nghệ lạc hậu, cho nên nếu gặp phải các cơn bão có tính chất phức tạp, hướng đi bất thường thì chỉ có thể điều chỉnh các dự báo liên tục theo sự thay đổi của cơn bão, khó có thể đưa ra các dự báo, cảnh báo chính xác.

Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm hành lang kỹ thuật trạm KTTV. Với bối cảnh các hoạt động KTTV chuyên dùng ngày càng nhiều trong khi chưa có tổ chức thanh tra thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì đây là lỗ hổng lớn, không kịp thời ngăn chặn những sai phạm gây mức độ nguy hiểm về KTTV.

Từ những thực trạng trên cho thấy, cách thức quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KTTV vẫn còn nhiều yếu kém, cần phải cải tổ và khắc phục ngay. Phải cụ thể hóa các chế tài xử lý những sai phạm trong ngành, khắc phục, loại bỏ những tồn đọng không đáng có. Cũng như cần phải thay đổi, bổ sung hệ thống pháp luật chuyên ngành phù hợp hơn với yêu cầu thực tế hay nói cách khác cần tăng cường công tác Quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV.

 

3. Cơ chế quản lý Nhà nước về KTTV trong quá khứ và hiện tại

Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao phải quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV; Quản lý như thế nào? Bằng cách nào?”

Quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực KTTV được coi là một phạm trù rộng lớn và phức tạp bởi lẽ lĩnh vực KTTV bao trùm quá rộng từ trên trời đến dưới đất, từ đất liền cho đến đại dương…và đây cũng là vấn đề nhạy cảm. Quản lý Nhà nước về KTTV sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Như chúng ta đã biết, 2016 là năm đầu tiên Việt Nam ta áp dụng Luật vào các lĩnh vực về KTTV. Vậy trước những năm 2016, Nhà nước ta quản lý KTTV bằng hình thức nào?

Năm 1994, “Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn” là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động KTTV. Ngoài ra, hoạt động KTTV còn được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước, giao thông vận tải, xây dựng, thủy điện… Từ đây, hành lang pháp lý phục vụ công tác ngành bước đầu được xây dựng. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động và phát triển với những đánh giá về kết quả đạt được thông qua việc thi hành pháp luật thì các văn bản pháp lý còn nhiều hạn chế. Như nội dung văn bản chỉ điều chỉnh đến mảng công tác điều tra cơ bản, cụ thể là khai thác và bảo vệ công trình KTTV, không bao quát được đầy đủ toàn bộ các hoạt động khác của lĩnh vực KTTV. Mặt khác, do ban hành ở thời điểm năm 1994 đã quá lâu hay nói cách khác là lạc hậu so với sự phát triển kinh tế-xã hội có liên quan tới hoạt động KTTV ở thời điểm hiện nay, cũng như các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước đã không được phản ánh, thể hiện đầy đủ trong Pháp lệnh. Nên cần thiết  phải có một bộ Luật, thay thế Pháp lệnh trên.

Cũng từ yêu cầu cấp bách đó, văn bản Luật KTTV đầu tiên được ban hành, Quy định tại Luật số 90/2015/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Quốc Hội, thay thế “Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn”, nhằm tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý Nhà nước về KTTV. Luật này quy định rõ ràng, chi tiết về hoạt động KTTV bao gồm: Quản lý, khai thác mạng lưới trạmKTTV; khảo sát KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV; thông tin, dữ liệu KTTV; phục vụ, dịch vụ KTTV; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV. Áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động KTTV trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một trong những nét mới về công tác KTTV được quy định trong luật KTTV là Nhà nước khuyến kích xã hội hóa công tác KTTV, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và có thể tham gia đầu tư phát triển các hoạt động KTTV từ xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, cung cấp số liệu phục vụ dự báo đến cảnh báo, dự báo KTTV, khai thác sô liệu KTTV hay tư vấn KTTV. Trong tương lai, việc xã hội hóa công tác KTTV sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán về ken dầy và hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc KTTV, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kiepj thời số liệu phục vụ công tác dự báo KTTV.

 

3.1. Vấn đề quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thông tin KTTV ngày càng nâng cao, nhu cầu phục vụ KTTV của cá nhân, tổ chức ngày càng nhiều với các đối tượng đa dạng và nội dung phục vụ phức tạp, chuyên sâu hơn, kéo theo các dịch vụ KTTV phát triển. Cùng với sự phát triển đó, các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia cung cấp các dịch KTTV ngày càng nhiều. Tuy nhiên quản lý Nhà nước trong vấn đề này vẫn còn chưa có sự quản lý toàn diện. Nhà nước ta mới chỉ chú trọng cấp phép cho các đơn vị hoạt động mà chưa có sự quản lý chặt chẽ về hình thức, cách thức hoạt động cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị này.

 Vì vậy cần phải có những cơ chế pháp lý quản lý các hoạt động này để mang lại lợi ích cho xã hội và tạo sự bình đẳng trong hoạt động  khi có nhiều tổ chức cùng tham gia. Phải xây dựng, hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng lĩnh vực của ngành KTTV, để từ đó có biện pháp áp dụng và chế tài khi mà có cá nhân, tổ chức làm sai, làm ẩu gây hậu quả ảnh hưởng đến người dân, đến nền kinh tế-xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức phục vụ của ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu, đáp ứng các nhu cầu về KTTV phục vụ phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác giúp phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

 

3.2. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về KTTV

Để đảm bảo công tác KTTV hoạt động tích cực, có hiệu quả thì cần phải có tổ chức thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân về các hoạt động và kết quả liên quan đến KTTV.

Tổng cục KTTV là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về KTTV trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về KTTV theo quy định của pháp luật. Tổng cục có nhiệm vụ tham mưu về xây dựng, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, cơ chế, chính sách về KTTV. Cùng với đó, Tổng cục chủ trì các nhiệm vụ chuyên môn như: Quản lý khai thác mạng lưới KTTV; khảo sát KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV; thông tin, dữ liệu KTTV; các nhiệm vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV… Ngoài ra, phối hợp công tác về thanh tra, kiểm tra, quản lý các hội và các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực KTTV nằm đảm bảo chất lượng ngành KTTV đạt chất lượng cao.

 

3.3. Những yêu cầu đặt ra trong Quản lý nhà nước về KTTV

Hiện nay, chúng ta đang sống trong sự biến đổi không ngừng của môi trường tự nhiên. Hầu hết các hoạt động của con người không ít thì nhiều đều chịu ảnh hưởng từ biến động của tự nhiên, nhất là các hiện tượng thời tiết. Trong tình hình hiện tại, biến đổi khí hậu gia tăng, hậu quả của nó để lại ngày càng nguy hiểm với mức độ gia tăng đáng báo động. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia mà ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo thì nhu cầu về việc biết trước diễn biến thời tiết, về khí tượng thủy văn cần thiết hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, Việt Nam được xác định là Trung tâm hỗ trợ các nước dự báo KTTV nguy hiểm trong khu vực.

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra trong quản lý nhà nước về KTTV ngày càng lớn và cấp bách. Trước tiên, với sự tái thành lập của Tổng cục KTTV- là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Quản lý nhà nước về KTTV cần:

Rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KTTV và các luật khác có liên đến lĩnh vực KTTV, tiến tới hệ thống pháp luật về KTTV hoàn chỉnh.

Đặc biệt chú trọng hoàn thiện các định mức kính tế-kỹ thuật, các bộ đơn giá công tác KTTV làm cơ sở để minh bạch hóa, công khai hóa các nguồn kinh phí đầu tư cho KTTV, góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KTTV.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó chú trọng đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTV ở cấp tỉnh. Đồng thời tăng cường nâng cao năng lực, nhân lực cho đội ngũ dự báo viên các cấp nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội phát triển.

Đẩy mạnh thực hiện giao tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực KTTV trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục KTTV, tiến tới giảm tối đa số viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Số viên chức này sẽ được trả công theo kinh phí nhiệm vụ đặt hàng được giao (hiện nay, Tổng cục KTTV đã có 15/16 đơn vị sự nghiệp công được giao quyền tự chủ về tài chính, xong việc giao kinh phí theo nhiệm vụ đặt hàng của Chính phủ cho các đơn vị gặp khó khăn khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành được đầy đủ các bộ đơn giá về KTTV), góp phần thiết thực vào chủ trương tinh giảm biên chế công chức, viên chức của Đảng, Chính phủ.

Tăng cường hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.

Đổi mới phương thức phục vụ của ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến khích xã hội hoá, thương mại hóa các hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

 

4. Liên hệ với công tác quản lý nhà nước về KTTV tại Liên đoàn Khảo sát KTTV

Liên đoàn Khảo sát KTTV là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục KTTV theo Quyết định số 706/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Khảo sát KTTV trực thuộc Tổng cục KTTV. Liên đoàn Khảo sát KTTV thực hiện chức năng điều tra khảo sát khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp, khí tượng thủy văn biển, thủy văn lục địa và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (gọi chung là KTTV). Hoạt động dựa trên sự cấp phép của tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội. Liên đoàn là một trong những đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV được giao quyền tự chủ về tài chính (theo Quyết định số 604/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

Dựa trên chức năng và nhiệm vụ của đơn vị mình, trong những năm qua, Liên đoàn Khảo sát KTTV đã và đang có những đóng góp nhất định, góp phần phát triển ngành KTTV nói riêng và sự phát triển của kinh tế- xã hội nói chung.

Về Tổ chức bộ máy của Liên đoàn: Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy và lãnh đạo các đơn vị theo cơ cấu tổ chức của Liên đoàn, đến nay, bộ máy của Liên đoàn đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KTTV, nâng cao chất lượng điều tra, khảo sát KTTV.  Về cơ cấu tổ chức, Liên đoàn có 03 phòng chức năng và 05 tổ chức trực thuộc, gồm: Văn phòng; Phòng Khí tượng Thủy văn và Môi trường; Phòng Kỹ thuật; Đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn I; Đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn II; Đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn III; Trung tâm Đo đạc địa hình và bản đồ; Trung tâm Đo đạc thủy văn và môi trường.

Về nguồn nhân lực: Tính đến nay Liên đoàn có tổng số 88 cán bộ viên chức và người lao động, trong đó có 42 viên chức; hợp đồng lao động có thời hạn 46 người. Đại học và trên đại học có 56 người; cao đẳng và trung cấp có 19 người; khác là 13 người.

Chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo và bồi dưỡng luôn được Lãnh đạo Liên đoàn quan tâm, chú trọng. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ viên chức và người lao động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ như các lớp về Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý; lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành KTTV; lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp,… tham gia các khóa học nâng cao kiến thức cũng như các đợt chuyển giao công nghệ mới để nắm bắt kịp thời những công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ của Liên đoàn.

Về nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn: Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn, Liên đoàn luôn hoàn thành đúng thời hạn, chỉ tiêu đề ra như công tác đo khảo sát thủy văn mùa cạn, đo khảo sát thủy văn mùa lũ luôn hoàn thành đúng tiến độ, hay các dự án chuyên môn như đo đạc địa hình lòng dẫn, tính chuyển mốc độ cao trạm khí tượng thủy văn. Ngoài ra, Liên đoàn còn tham gia vào lĩnh vực Nghiên cứu khoa học công nghệ với đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS-RTK trong công tác đo đạc, điều tra khảo sát xác định độ cao vết lũ và ngập lụt”, đề tài này đã được hoàn thiện và được Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng đang triển khai theo đúng tiến độ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu sự biến đổi địa hình lòng dẫn trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình phục vụ công tác đo đạc, khảo sát thủy văn” dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Về trang thiết bị: Về trang thiết bị, Liên đoàn đã trình Tổng cục KTTV xây dựng kế hoạch về mua sắm thiết bị phục vụ công tác quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn năm 2018, sau khi được Tổng cục phê duyệt, Liên đoàn đã lập tức tiến hành triển khai việc nhập các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác điều tra, khảo sát của Liên đoàn như: Máy định vị Vệ tinh Trimble R8s, Trạm đo khí tượng tự động, Máy đo sâu hồi âm đơn tần, đơn tia,…hay ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong từng công việc cụ thể của Liên đoàn, mang lại hiệu quả cao cả về chất và lượng trong  các nhiệm vụ được giao.

 Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV, Liên đoàn liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTTV cũng như Luật KTTV đến toàn thể cán bộ viên chức và người lao động trong cơ quan, để tất cả các cán bộ và người lao động nắm được các nội dung của Luật, làm việc theo đúng quy định, quy phạm, tránh tình trạng không biết Luật dẫn đến sai phạm không đáng có. Tổ chức các hoạt động thi đua, tuyên truyền nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3 hàng năm cho cán bộ và người lao động trong Liên đoàn. Đặc biệt, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các dự thảo văn bản pháp quy góp phần hoàn thiện về hình thức và nội dung để đưa vào thực tế, các văn bản có giá trị pháp lý như Dự thảo kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2018-2020 của Tổng cục KTTV; Dự thảo Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc bản đồ; Dự thảo đề án “Tăng cường liên kết giữa địa phương, vùng trong sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”; …và nhiều dự thảo liên quan khác.

Nhằm đảm bảo phạm vi hoạt động trên cả nước được thuận lợi, Liên đoàn cũng thường xuyên có các chương trình, kế hoạch về đo đạc khảo sát KTTV, môi trường trình Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV như: các chương trình, kế hoạch công tác năm, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ do Tổng cục giao, các nhiệm vụ trung hạn theo từng giai đoạn…Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng thành lập các Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ như nhiệm vụ điều tra khảo sát dòng chảy tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ năm 2018, các tổ kiểm tra công tác hoạt động ngoài thực địa để đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện đúng theo quy trình, quy phạm về thời gian và đảm bảo chất lượng theo quy định.

 

Kết luận: Ngành KTTV có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Vì vậy cần phải quản lý tốt các hoạt KTTV. Muốn quản lý tốt thì phải tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KTTV bắt đầu từ hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành, hoàn thiên bộ máy tổ chức, gắn với các giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước ngành KTTV phù hợp với sự phát triển công nghệ; khuyến khích, tăng cường thương mại hóa, xã hội hóa hoạt động KTTV tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn; tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra thực thi các quy định của Nhà nước trong các hoạt động KTTV.

Vì vậy, tăng cường quản lý Nhà nước về KTTV là thiết thực, và hết sức cần thiết với tình hình thực tại của nước ta hiện nay./.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 2576    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm