• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
7
0
3
2
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 26 Tháng Tám 2016 8:00:00 SA

Tận dụng rác cây xanh

 

Hiện nay, ngân sách TPHCM phải chi trung bình 20USD để xử lý 1 tấn rác thải. Trong khi đó, lượng rác thải ở TPHCM vẫn ngày càng tăng nhanh. Do vậy, tái chế, tận dụng rác thải là cách để vừa bảo vệ môi trường vừa giảm gánh nặng cho ngân sách. Gần đây, việc nghiên cứu tận dụng rác cây xanh đã mang lại hiệu quả khả quan.

 

Cây mọc từ đất, lại trả về cho đất

Quận 7 có diện tích rộng, số lượng cây xanh đô thị nhiều, nên lượng rác cây xanh phát sinh trong quá trình cắt tỉa bình thường cũng lớn. Hầu hết cây xanh đường phố trên địa bàn không có giá trị gỗ cao, nên khi đốn, tỉa cành khó tận dụng được. Phần thân cây chỉ có thể cho các lò bánh mì hoặc các cơ sở sản xuất nhỏ làm củi đốt, bù lại các cơ sở này chịu một phần chi phí cắt tỉa, vận chuyển. Còn phần cành nhánh, lá thì đưa về các bãi xử lý rác tập trung của TP.

 

Ông Đinh Nho Quyền, Đội trưởng Đội cây xanh Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, cho hay: “Trước các mùa mưa bão, lượng rác cây xanh đường phố luôn tăng đột biến, vì phải chặt, tỉa nhiều, có khi lên đến 20m3/ngày. Rác thải sinh hoạt thì gọn, vận chuyển dễ, nhưng rác cây xanh thì cành nhánh vướng víu. Khi vận chuyển đã rất khó khăn, đến bãi đổ lại phải chật vật kéo ra, nên mất thời gian và tốn nhân công, tốn ngân sách để chi trả cho việc xử lý. Do vậy, chúng tôi tham khảo cách xử lý rác thải, rác cây xanh của các nước và thấy giải pháp xay nhỏ rác cây xanh đường phố để làm phân là phù hợp với điều kiện của công ty nên đã kiến nghị và được UBND quận 7 cho phép thí điểm”.

 

Công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7nghiền cành và lá cây để ủ làm phân bón

 

Các cành nhánh đã cắt tỉa được đưa vào máy xay nhỏ rồi ủ với một loại men vi sinh do Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cung cấp. Sau 3 tháng ủ, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7 đã cho ra được mẻ phân bón đầu tiên, chất lượng ổn định và báo cáo lên UBND quận xin thực hiện đại trà. Trong quá trình thí điểm, chỉ dùng máy xay loại nhỏ, nên chỉ xay được cành và lá, công suất 5 tấn/ngày. Khi đưa vào thực hiện đại trà, công ty sẽ đầu tư máy lớn xay được cả thân cây, máy có băng chuyền để tiết kiệm nhân lực và cũng an toàn hơn cho công nhân. Thêm vào đó, những thùng rác đẩy tay bị hỏng hóc, không sử dụng được nữa sẽ được tận dụng làm thùng ủ phân, vừa vệ sinh lại vừa ít chiếm diện tích đất. Vậy là không chỉ rác cây xanh đường phố, mà thiết bị vệ sinh hư hỏng cũng được tái sử dụng.

 

Xu thế của tương lai

Cùng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, một số đơn vị khác tại TPHCM cũng đang thí điểm tái chế, tái sử dụng lại rác cây xanh đường phố. Chẳng hạn, Công ty Phú Mỹ Hưng nghiền rác cây xanh thành mạt cưa, sau đó chế biến trở lại thành chất đốt; Công ty TNHH Tân Thuận sử dụng rác cây xanh trộn với bùn lắng từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu chế xuất Tân Thuận để làm phân bón…

 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón của Viện Nông hóa thổ nhưỡng Việt Nam, rất hoan nghênh các giải pháp tái chế, tái sử dụng rác cây xanh mà các đơn vị đang thực hiện. Theo ông, phân bón hóa học hiện nay không được thế giới khuyến khích, vì về lâu dài sẽ gây nhiều tổn hại cho đất. Còn sử dụng phân bón từ rác cây xanh để bù đắp, bổ sung lại chất dinh dưỡng cho đất, giữ đất màu mỡ lâu dài, nhất là cây xanh đô thị đa phần là cây sạch, không nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất. Ông Nghĩa nhận xét: “Bao đời nay, người dân vẫn tận dụng rác từ cây xanh ủ để làm phân bón, nếu đem chôn lấp ở bãi rác như lâu nay thì vô cùng lãng phí, lại còn phải mất một khoản tiền để trả cho việc chôn lấp. Việc tái chế, tận dụng rác cây xanh còn giáo dục cho người dân ý thức tiết kiệm tài nguyên, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với việc xay làm phân bón đất, còn có thể tái chế rác cây xanh làm than sinh học. Thay vì xay và ủ thì có thể đưa rác vào đốt trong lò đốt yếm khí để tạo thành than hạt mịn, cung cấp bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Phương án này rất đơn giản, ít tốn chi phí, nhất là hạn chế phát thải khí CO và CO2. Tùy vào điều kiện, nhu cầu của mỗi đơn vị mà có thể lựa chọn phương pháp tái chế phù hợp”.

 

 

Nguồn: Báo SGGPO


Số lượt người xem: 2856    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm