• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
4
7
9
1
2
Tin tức sự kiện 19 Tháng Mười 2016 7:50:00 SA

Đối thoại chiến lược cấp cao về giảm phát thải khí nhà kính

 



 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Đối thoại chiến lược cấp cao

 
 
Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự và đồng chủ trì Đối thoại chiến lược cấp cao Kỳ họp Hội đồng Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon (PMR) do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Đồng chủ trì Đối thoại có ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và ông John Roome, Giám đốc Cao cấp về Biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới. Cùng tham dự Đối thoại có đại diện các Bộ ngành của Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
 

 

Đối thoại là cơ hội giúp các bên liên quan tại Việt Nam và Nhóm Đối tác chuẩn bị công cụ Thị trường (PMR) thảo luận về áp dụng định giá các-bon và là một bước chuẩn bị cho đối thoại quốc gia về thực hiện Chiến lược Biến đổi Khí hậu Quốc gia và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng và các thành viên chính phủ.

 

 

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 4/11/2016 là một dấu mốc quan trọng trước thềm Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc vế biến đổi khí hậu lần thứ 22 sẽ được tổ chức tại Ma-rốc. Đây là một khởi đầu tốt đẹp cho nỗ lực chung của thế giới nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu sau năm 2020.

 

“Là một bên tham gia vào Công ước, Việt Nam đã có những cam kết cụ thể đóng góp vào nỗ lực chung quan trọng này. Mặc dù là một quốc gia đang phát triển gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết trong INDC sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và tăng mức giảm lên 25% với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Những mục tiêu này sẽ tiếp tục được đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Được Chính phủ Việt Nam giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và các cơ quan liên quan để triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cam kết sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách và giải pháp hiệu quả liên quan đến công nghệ, chi phí - lợi ích và tính bền vững phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế cacbon thấp. Các chính sách sẽ đảm bảo sự hiệu quả, bền vững và đem lại lợi ích cho người dân”.

 

 

Các đại biểu tham dự Đối thoại chiến lược

 

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm phát thải trong kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào các hoạt động chính như:

 

Một là, phát triển một lộ trình và các giải pháp cho Việt Nam để đóng góp giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu; thực hiện các nghiên cứu chính sách thiết lập thị trường các bon trong nước với các công cụ thị trường cho một số lĩnh vực thí điểm.

 

Hai là, tiếp tục cải thiện hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính và thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các năm cơ sở là 2014, 2016 và 2018; tiếp tục đánh giá và cập nhật đóng góp quốc gia trong INDC thông qua đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và việc tham gia vào kiểm kê toàn cầu năm 2018.

Bên cạnh các giải pháp chính sách, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án để giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng; và cùng với đó sẽ chủ động cải thiện chính sách và nguồn lực cho giao đoạn sau 2020. Trong giai đoạn 2021 – 2030, sau khi hoàn thành sự chuẩn bị về thể chế, chính sách, kỹ thuật và tài chính, Việt Nam sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

 

Bộ trưởng tin tưởng rằng, Đối thoại chiến lược là cơ hội tốt cho các bên liên quan trao đổi và chia sẻ về việc thực hiện NDC và các biện pháp chính sách để hỗ trợ sự chuyển đổi của nền kinh tế các bon thấp. Đồng thời, Đối thoại chiến lược sẽ đưa ra những kiến nghị cụ thể cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện các chính sách hỗ trợ các ngành, địa phương giảm phát thải khí nhà kính nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng cạnh tranh và mở ra các cơ hội kinh doanh mới tạo nhiều việc làm và phát triển kinh tế xã hội.

 

 

Ông John Roome, Giám đốc Cao cấp về Biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Đối thoại

 

Tại Đối thoại, ông John Roome, Giám đốc Cao cấp về Biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện phát triển các bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên con đường phát triển này.

 

“Việc cắt giảm phát thải để đạt mục đích nhiệt độ chỉ tăng 2°C hay thấp hơn sẽ khó có thể đạt được với chi phí thấp nếu không tăng cường buôn bán các-bon. Vì vậy, cần sự hợp tác giữa các nước trong chính sách định giá các bon để thực hiện hiệu quả hơn việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.” - ông John Roome nói.

 

 

Cũng tại Đối thoại, Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu báo cáo Hiện trạng và xu thế Định giá các-bon 2016 tới các đại biểu. Báo cáo được thực hiện hàng năm nhằm cung cấp số liệu và phân tích các biện pháp hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư vào nền kinh tế phát thải các-bon thấp dựa trên cơ chế thị trường. Kết quả nghiên cứu hướng tới để làm sao kết hợp hiệu quả nhất định giá các-bon với các chính sách khác cũng như tác động tiềm tàng của thị trường các-bon quốc tế lên kết quả giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu toàn cầu. Báo cáo cho thấy tăng cường mua bán các-bon sẽ giúp giảm phát thải trên quy mô lớn với chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay. Kết quả phân tích này được đưa ra dựa trên mục tiêu giảm thiểu các-bon nêu trong các kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

 

Cụ thể, việc tăng cường hợp tác thông qua mua bán các-bon sẽ giúp cắt giảm 32% chi phí giảm nhẹ biến đổi khí hậu từ nay cho tới năm 2030. Và đến giữa thế kỷ này, thị trường các-bon quốc tế sẽ giúp cắt giảm 50% chi phí giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngân hàng thế giới cũng khẳng định rằng mục tiêu cắt giảm phát thải để đạt mục đích nhiệt độ chỉ tăng 2°C hay thấp hơn lên sẽ khó có thể đạt được với chi phí thấp nếu không tăng cường buôn bán các-bon.

 

 

 

Nguồn: CTTĐT

 


Số lượt người xem: 2495    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm