• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
0
6
9
9
Tin tức sự kiện 26 Tháng Sáu 2017 8:20:00 SA

Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo TPHCM

 

(HCM CityWeb) – Sáng 23-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 và các đề xuất, kiến nghị của Thành phố. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các lãnh đạo TPHCM, gồm: Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Đức Hải; đại diện các sở, ngành Thành phố.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu buổi làm việc

 

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TPHCM có vị trí cực kỳ quan trọng không chỉ ở khu vực phía Nam mà của cả nước. TPHCM phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu Thành phố có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. Do đó, việc xem xét chỉ tiêu phát triển năm 2017 của TPHCM rất quan trọng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần góp ý thẳng thắn những vấn đề Thành phố đặt ra để TPHCM xứng đáng là trung tâm kinh tế, khoa học - giáo dục, văn hóa của cả nước.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so cùng kỳ. Công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đạt được kết quả bước đầu, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Nhiều công trình hạ tầng được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước; nhân dân thành phố sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng tăng 2,6% so cùng kỳ. Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch cho nhân dân, bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Các nguồn lực xã hội được huy động hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Cải cách hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, toàn diện, gắn kết đầu tư, mở rộng hội nhập với khu vực và thế giới.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng cho rằng, TPHCM vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm; tiềm năng du lịch chưa được phát huy; việc đổi mới khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất còn hạn chế;…

 

Về công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2017 như: tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,4-8,7%, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 36% trở lên, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP, thu ngân sách đạt 100% dự toán, thành lập mới 50.000 doanh nghiệp (gồm chuyển đổi các hộ kinh doanh cả thể thành doanh nghiệp), thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

  

Một số kiến nghị của TPHCM

 

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết một số nội dung. Cụ thể, Thành phố kiến nghị bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017-2020 là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện đúng theo các Hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng vào năm 2020.

 

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

 

Về sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Thành phố, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất bỏ cơ chế thí điểm và cho phép HFIC chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND Thành phố; đối với danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, Thành phố được chủ động thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tiến độ và lộ trình cổ phần hóa. 

 

Về hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, TPHCM đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của thành phố theo Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng cho thành phố để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Hiện nay, tổng mức đầu tư của các dự án trên là 37.282 tỷ đồng, phần còn lại thành phố sẽ tự cân đối để triển khai thực hiện.

 

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho Thành phố được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất theo Quyết định số 09 để thanh toán cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT).

 

Để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho HĐND Thành phố được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố; phân cấp cho UBND Thành phố được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình; phân cấp cho UBND Thành phố được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố nhằm phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị đặc biệt.

 

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, theo hướng cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Đồng thời, các bộ ngành cũng ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực để địa phương triển khai thực hiện.

 

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố thu hút đầu tư các dự án hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ công, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phân loại danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo hướng: đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, nhà đầu tư/đơn vị được phép tự xác định giá theo nguyên tắc thị trường hoặc trên cơ sở phương án tài chính của dự án PPP được duyệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách phù hợp với lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

 

Để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu; cho phép Thành phố được bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT và thực hiện điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc.

 

Qua thực tiễn 2 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để khắc phục các bất cập và phát huy hiệu quả cơ chế liên kết vùng để các địa phương cùng phát triển, Thành phố kiến nghị ban hành chính sách phát triển Vùng để giải quyết đồng bộ 4 vấn đề cơ bản của phát triển Vùng, gồm: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường; đồng thời có cơ chế Hội đồng Vùng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh toàn Vùng và tạo điều kiện phát triển hài hòa giữa các địa phương trong Vùng, góp phần giảm áp lực tăng dân số cơ học, quá tải các bệnh viện, ùn tắc giao thông,... đối vớiTPHCM. Hiện nay cơ chế Chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên giữa Chủ tịch UBND các tỉnh không phát huy được hiệu quả, khó đảm bảo sự liên kết, sự thực thi các chủ trương, chính sách chung của Vùng.

 

Hiện nay, Thành phố cũng đang gặp một số khó khăn về thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án thoát nước, giảm ngập (nhất là đối với các dự án cấp bách nhưng phê duyệt sau ngày 31-10 của năm trước không được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công). Để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, giảm ngập thuộc Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần giải quyết tình trạng ngập nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố được triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành phố sẽ chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của các dự án theo quy định của pháp luật. 

 

 

 

Nguồn: HCM CityWeb

 

 


Số lượt người xem: 1708    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm