• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
3
3
9
6
3
2
6
Quy hoạch 03 Tháng Ba 2023 8:45:00 SA

Nghị định số 02/2023/NĐ-CP

 

Nghị định số 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước

 

Ngày 01/02, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2023; bãi bỏ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
 
Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước
 
Nghị định quy định, đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan. 
 
Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn được thực hiện như sau:
 
1. Các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến bao gồm: a) Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối thuộc trường hợp phải xin phép; b) Công trình khai thác, sử dụng nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên; c) Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước; d) Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất (gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m) có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
 
2. Thời điểm lấy ý kiến: a) Trong quá trình lập dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này; b) Trong quá trình thăm dò đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
 
3. Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm: a) Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án; b) Kế hoạch triển khai xây dựng công trình; c) Tiến độ xây dựng công trình; d) Dự kiến tác động của việc khai thác, sử dụng nước và vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành; đ) Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành; e) Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này; g) Các số liệu, tài liệu khác liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
 
4. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến gồm: a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi nguồn nước nội tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước nội tỉnh quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này; b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi nguồn nước liên tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên tỉnh quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này; c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi có nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh; d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh; đ) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
 
5. Trình tự lấy ý kiến, Nghị định nêu rõ:
a) Chủ đầu tư gửi các tài liệu, nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cho chủ đầu tư;

c) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp hoặc đối thoại trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cho chủ đầu tư;

d) Ngoài các nội dung thông tin quy định tại khoản 3 Điều này, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp bổ sung các số liệu, báo cáo, thông tin về dự án nếu các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này có yêu cầu và trực tiếp báo cáo, thuyết minh, giải trình tại các cuộc họp lấy ý kiến để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.

6. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình là thành phần của hồ sơ dự án khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phải được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

7. Việc lấy ý kiến hoặc thông báo trước khi lập dự án đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện như sau:
a) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh: Chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước và Sở Tài nguyên và Môi trường;
Trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về quy mô, phương án chuyển nước đề xuất hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư; tổng hợp ý kiến và gửi cho chủ đầu tư.
b) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh, dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng chính thuộc lưu vực sông liên tỉnh: Chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước, phương án xây dựng công trình và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi dòng chính chảy qua, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan;
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi các tài liệu đến các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh;
Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư: Tổ chức lưu vực sông (nếu có) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư tổng hợp ý kiến và trình Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi chủ đầu tư.

c) Đối với dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng nhánh thuộc lưu vực sông liên tỉnh: Trước khi triển khai lập dự án đầu tư, chủ đầu tư phải thông báo về quy mô, phương án đề xuất xây dựng công trình cho tổ chức lưu vực sông, Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc lưu vực sông.

d) Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án xây dựng công trình gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước xem xét, chấp thuận về quy mô, phương án xây dựng công trình trước khi lập dự án đầu tư.
8. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do chủ đầu tư chi trả.

Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước
 
Nghị định cũng nêu rõ quy định về điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước (Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất).
 
Tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép tài nguyên nước phải hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
 
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
 
1- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
 
2- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phế duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
 
Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
 
3- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại (1) và (2) nêu trên và các điều kiện sau đây:
 
Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
 
Nghị định nêu rõ, trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng nước mà chưa có giấy phép tài nguyên nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định trên.
 
Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác, sử dụng nước không có giấy phép tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 
Thời hạn của giấy phép
 
Tại Nghị định, thời hạn của giấy phép tài nguyên nước được quy định như sau:
 
Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển có thời hạn tối đa là 15 năm, tối thiểu là 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 03 năm, tối đa là 10 năm.
 
Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 02 năm và được xem xét gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm.
 
Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.
 
Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu theo quy định nêu trên thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.
 
Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép.
 
Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.
 
Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép
 
Nghị định nêu rõ, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép bao gồm:
 
1- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước.
 
2- Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước bao gồm:
 
a) Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước.
 
b) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm.
 
c) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 hoặc công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây.
 
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,1 m3/giây hoặc có các mục đích khai thác, sử dụng nước khác có quy mô khai thác vượt quá quy định tại điểm b, điểm đ khoản này thì phải thực hiện đăng ký hoặc xin phép theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.
 
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW.
 
đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.
 
Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép
 
Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép như sau:
 
1- Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:
 
a) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây.
 
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định này.
 
b) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm đến 100.000 m3/ngày đêm;
 
c) Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định này và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;
 
d) Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.
 
2- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép, bao gồm:
 
a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều này.
 

b) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.

Chi tiết nội dung Nghị định mời xem tại đây

Nghị định số 02/2023/NĐ-CP bao gồm 05 chương, 51 điều, cụ thể như sau: Chương I - Quy định chung (gồm 5 điều, từ Điều 1 đến Điều 5): Chương này quy định những nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 2); Công khai thông tin (Điều 3); Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước (Điều 4); Tổ chức lưu vực sông (Điều 5).
 
Chương II - Điều tra cơ bản tài nguyên nước (gồm 7 điều, từ Điều 6 đến Điều 12): Chương này quy định những nội dung về trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước (Điều 6); Kiểm kê tài nguyên nước (Điều 7); Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (Điều 8); Quan trắc tài nguyên nước (Điều 9); Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra (Điều 10); Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước (Điều 11);  Báo cáo sử dụng tài nguyên nước (Điều 12). 
 
Chương III - Bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (gồm 26 điều, từ Điều 13 đến Điều 42).
 
Chương IV - Điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông (gồm 5 Điều, từ Điều 44 đến Điều 48): Chương này quy định những nội dung về: Các hoạt động trên lưu vực sông cần điều phối, giám sát (Điều 44); Nội dung, yêu cầu đối với hoạt động điều phối, giám sát trên lưu vực sông (Điều 45); Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 46); Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 47); Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 48).
 
Chương V - Điều khoản thi hành (gồm 3 Điều, từ Điều 49 đến Điều 51): Chương này quy định những nội dung về: Sửa đổi bổ sung một số quy định về tài nguyên nước, bãi bỏ quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Điều 49); Điều khoản chuyển tiếp (Điều 50); Điều khoản thi hành (Điều 51).

 

Nguồn: Website Bộ Tài nguyên và Môi trường


Số lượt người xem: 564    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm