• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
3
2
8
8
5
6
7
Quy hoạch 16 Tháng Mười Hai 2024 8:20:00 SA

Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Điểm tựa vững chắc để tiến ra biển

 

Sáng 15/12, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 

 

Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố có biển cùng các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Bí thư tỉnh uỷ Khánh Hoà Nghiêm Xuân Thành chủ trì Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về phía tỉnh Khánh Hòa có ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự Hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của các tổ chức quốc tế như UNDP, WWF; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo 28 tỉnh và địa phương có biển cùng các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực biển tại Việt Nam.

Điểm tựa vững chắc để tiến ra biển

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đến ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117 phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị

Việc triển khai thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế - văn hóa sôi động, là cửa ngõ kết nối phát triển giữa đất liền với biển; là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển.

“Đồng thời, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được phê duyệt cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, kết hợp với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia trên biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.”- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giới thiệu Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời với ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành cho biết, tỉnh Khánh Hoà xác định Quy hoạch là kim chỉ nam quan trọng, là cơ sở vững chắc để tỉnh Khánh Hòa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, bền vững; thực hiện thành công Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với tất cả những ý nghĩa đó, tỉnh Khánh Hòa cũng như các địa phương có vùng biển kỳ vọng qua Hội nghị này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trong giai đoạn phát triển mới …..


Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là cột mốc quan trọng hướng tới quản lý tổng hợp vùng ven biển hiệu quả và đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển một cách bền vững. UNDP rất vinh dự được hợp tác với Bộ TN&MT và VASI trong quá trình xây dựng Quy hoạch này.

Trong thời gian tới, UNDP khuyến nghị 3 mục tiêu để thực hiện Quy hoạch gồm: Công bố Quy hoạch là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh phát triển điện gió phù hợp, bao gồm ngoại khơi cũng như ven bờ, hướng đến cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 net zero;


Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Quản trị, điều phối và tăng cường năng và làm rõ kế hoạch và trách nhiệm của chính quyền 28 tỉnh ven biển trong việc thực hiện Quy hoạch này; thứ ba là nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế biển xanh của Việt Nam cũng như đưa ra các giải pháp dựa vào thiên nhiên. UNDP cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu chung.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trao Hồ sơ Quy hoạch Tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho đại diện UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trao Hồ sơ Quy hoạch Tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho đại diện UBND các tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Khánh Hòa và Phú Yên.

Đề xuất hoàn thiện chính sách để phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững

Bên cạnh ý nghĩa quan trọng của việc công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Hội nghị cũng đồng thời triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã thể chế phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo với nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng về biển và hải đảo lần đầu tiên được quy định trong pháp luật Việt Nam. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Luật có thể khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện phương thức quản lý mới trên biển; góp phần nâng cao công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiện nay.


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để hoàn thiện thể chế chính sách, đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các chiến lược, quy hoạch về biển sẽ tiếp tục: Tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; Thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp với tăng cường tiềm lực, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị thảo luận về tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV; GS.TS Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XV; Ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam; Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã làm rõ những những kết quả đã đạt được; những mặt còn tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện cần khắc phục, giải quyết; đặc biệt là nhận diện các quy định pháp luật không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vấn đề mới phát sinh; Kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.


Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV


Ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam


PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XV


Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên


GS.TS Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội


Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam


Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Các đại biểu thảo luận về tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015

Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến đóng góp vào xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; đề xuất các nội dung sửa đổi bổ sung sửa Luật Tài nguyên,môi trường biển và hải đảo; Các đại biểu cũng kiến nghị giải pháp tháo gỡ các vấn đề khó khăn vướng mắc trong thực hiện chức năng quản lý tổng hợp biển và hải đảo hiện nay tại các địa phương.

Triển khai 05 nhóm nhiệm vụ để hoàn thiện Báo cáo tổng kết

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, tiếp thu các nội dung góp ý và thảo luận tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, để: Cụ thể hóa, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chương trình, dự án ưu tiên cho giai đoạn đến năm 2030; Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương và lộ trình triển khai thực hiện để bảo đảm đạt được các mục tiêu của Quy hoạch.


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, việc triển khai thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế - văn hóa sôi động, là cửa ngõ kết nối phát triển giữa đất liền với biển; là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tập trung triển khai Quy hoạch; chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung có liên quan trong Quy hoạch Tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương; xây dựng, ban hành và ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ, dự án để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm có đủ luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:


Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển và hải đảo.

Ngoài ra, tổ chức đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện kết quả thi hành Luật, chỉ rõ các vấn đề vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành, nhận diện rõ những khoảng trống pháp lý (nếu có); đồng thời đề xuất xử lý những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn phát triển;

Đồng thời, xác định rõ các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đối với quy định đã có nguyên tắc, quy định chung trong Luật nhưng còn chưa cụ thể, chi tiết và những vấn đề thường xuyên thay đổi, biến động theo thực tiễn thì đề xuất giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quy định;

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; loại bỏ các quy định rườm rà, phức tạp, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; tăng cường hiệu quả công tác điều phối, phối hợp, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển;


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng, kiểm soát ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ; làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để luật hóa phát triển mô hình kinh tế biển xanh; giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển, an ninh tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực thi hiệu quả các thỏa thuận điều ước quốc tế về tài nguyên, môi trường biển mà Việt Nam là thành viên.

Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trân trọng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến và phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, một cách đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và có tính khả thi cao; tạo nền tảng, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

 

 

Khương Trung

 

Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường


Số lượt người xem: 72    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm