(HCM CityWeb) – Để khuyến khích các đơn vị xử lý hiện hữu triển khai dự án chuyển đổi công nghệ đáp ứng tiến độ đặt ra của Thành phố, giảm rủi ro mất an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cơ chế đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cho nhà đầu tư nâng công suất và chuyển đổi công nghệ xử lý sang có thu hồi năng lượng.
|
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh Tạp chí TN&MT |
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu UBND TP.Hồ Chí Minh Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án xử lý CTRSH chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND làm cơ sở tổ chức triển khai đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của từng đơn vị xử lý theo Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND để xem xét, ra quyết định về khối lượng đặt hàng bổ sung cho từng nhà máy chuyển đổi công nghệ.
Ngoài ra, trong thời gian qua, UBND Thành phố cũng đã hỗ trợ Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ sang đốt phát điện.
Đối với giải pháp về đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới, TP.Hồ Chí Minh đang kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi theo phương thức Đối tác công tư.
Hiện nay, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) đã tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (lần 3) và trình báo cáo thẩm định để UBND Thành phố xem xét, trình HĐND Thành phố ra Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Để triển khai đồng bộ công tác phân loại xử lý CTRSH và thuận lợi công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, đảm bảo phân loại thành 3 nhóm theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 từ ngày 31/12/2024. Trong năm 2022- 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để rà soát lại tình hình tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển CTRSH sau phân loại.
ZUKI
Nguồn: HCM CityWeb