• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
7
7
5
9
6
7
Chuyển đổi số 24 Tháng Giêng 2023 8:40:00 SA

TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 từ dữ liệu số

 

 
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 2022, TPHCM đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số. TP đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của TPHCM do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/8/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Từ kết quả bước đầu, năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chọn chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là dữ liệu số. TP sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh. Tạo lập, liên thông, chia sẻ, phát huy và sử dụng dữ liệu số sẽ quyết định cho câu chuyện chuyển đổi số của TP. Liên quan đến kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong năm 2023, Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM có cuộc trao đổi với đồng chí Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của TPHCM về vấn đề này.

* Xin đồng chí cho biết cụ thể về công tác chuyển đổi số của TP trong năm 2023?

- Đồng chí Lâm Đình Thắng: Năm 2023, Sở đề xuất chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là dữ liệu số. Trong đó, tập trung các nhóm giải pháp:

Thứ nhất, hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thủ tục đủ điều kiện), kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các cơ sở dữ liệu Quốc gia các bộ, ngành; đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Tính đến nay, tổng số dịch vụ công đủ điều kiện của TP đã triển khai dịch vụ công trực tuyến là 358/450 (đạt 79%).

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển công dân số, TP sẽ triển khai ứng dụng di động thống nhất toàn TP để người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng tất cả dịch vụ công và được phục vụ mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong đó chữ ký số sẽ được ứng dụng để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các mẫu đơn điện tử tạo điều kiện thực lợi khi thực hiện trực tuyến.

Thứ ba, TP sẽ hoàn thành kế hoạch vận hành 5 nền tảng số phục vụ cho công tác chỉ đạo và điều hành TP. Bao gồm: Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo thời gian thực; Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022; Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh của các sở ngành và địa phương (DCCI); Hệ thống theo dõi mức độ chuyển đổi số của các sở ngành, địa phương; và cuối cùng là ứng dụng công dân thống nhất của TP.  5 hệ thống này, cùng với hệ thống giám sát việc xử lý thủ tục hành chính sẽ hình thành một bộ công cụ cơ bản cho lãnh đạo TP điều hành quản trị trên nền tảng số, đặc biệt là phục vụ cho các cơ quan giám sát của TP có thể giám sát dựa trên dữ liệu và thời gian thực. Sở cũng đã phối hợp với các ban của HĐND TP cơ bản hoàn thành ứng dụng hỗ trợ HĐND TP thẩm tra các tờ trình, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong kỳ họp tới; đồng thời sẽ phát triển ứng dụng này thành một “thư ký ảo” cho đại biểu HĐND TP và cũng sẽ là ứng dụng dùng chung cho HĐND TP và HĐND các huyện.

Thứ tư, là việc tạo lập và duy trì dữ liệu số của TP phục vụ chia sẻ hỗ trợ và ra quyết định. TP sẽ triển khai và thực thi chiến lược quản trị dữ liệu của TP và chiến lược an toàn thông tin, trong đó tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu, gồm nhóm dữ liệu phục vụ cho quản lý đất đai, đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính doanh nghiệp.

Trên cơ sở định hướng dữ liệu này, các sở ngành sẽ đẩy mạnh triển khai thống nhất các hệ thống thông tin chuyên ngành. Dự kiến năm 2023 sẽ có 6 hệ thống thông tin chuyên ngành của 6 sở ngành sẽ đưa vào vận hành. Đó là: Hồ sơ sức khỏe điện tử của Sở Y tế; Hệ thống thông tin quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường; Hệ thống thông tin quản lý xây dựng của Sở Xây dựng; Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quản lý đầu tư công và quản lý hộ kinh doanh cá thể của Sở kế hoạch đầu tư; và cơ sở dữ liệu quy hoạch của Sở Quy hoạch kiến trúc.

Sinh viên trải nghiệm ứng dụng công nghệ số
Sinh viên trải nghiệm ứng dụng công nghệ số

* Bên cạnh các giải pháp trên, còn những giải pháp nào để có những bước phát triển về chuyển đổi số thực chất phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn?

- Bên cạnh các nhiệm vụ giải pháp trên, Sở sẽ nghiên cứu giải pháp và cơ chế đề xuất hình thành một trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số của TPHCM, trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số sẽ thực hiện nhiệm vụ tổ chức tư vấn các quận, huyện sở ngành thực hiện chiến lược dữ liệu, nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số theo định hướng của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TPHCM.

Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng số hiện đại rộng khắp để phục vụ cho phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số; tiếp tục quy hoạch và tham mưu ban hành các quy định, hướng dân chuyên môn về xây dựng và phát triển các hệ thống trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP theo hướng các trung tâm điều hành đô thị thông minh này phải được liên thông, chia sẻ, không trùng lắp, tăng hiệu quả và tránh lãng phí.

Sở cũng tổ chức đánh giá chỉ số kinh tế số bài bản và khoa học hơn, từ đó có cơ sở xây dựng những chính sách, giải pháp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ chuyển đổi số góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số của TP. Cuối cùng là phát huy hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và động lực tích cực cho toàn thể cán bộ công chức, người dân TP tham gia chuyển đổi số; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và phát huy hiệu quả của hơn 3.000 tổ công nghệ số cộng đồng của địa phương để phổ cập cho người dân về chuyển đổi số; trước mắt là hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Thực tiễn cho thấy TP đang rất cần đổi mới công tác quản trị TP trong tình hình mới để từ đó tạo động lực mới tăng trưởng cho TP. Do đó, đối với hoạt động chuyển đổi số từ năm 2023 -2025 yếu tố quan trọng hàng đầu là dữ liệu của TP, tạo lập liên thông, chia sẻ, phát huy và sử dụng dữ liệu của TP sẽ quyết định cho câu chuyện của TP có thành công hay không.

TPHCM có thể bắt đầu việc này bằng việc khởi động cổng dịch vụ công của TP cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, từ đó có thể tạo động lực và làm tiền đề để hình thành các tiện ích khác để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Ban chỉ đạo Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định năm 2023 cũng là năm của dữ liệu số và năm chuyển đổi số phải mang lại giá trị thực chất nhất. Để thực hiện được điều này, có 4 yếu tố rất quan trọng, đó là sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo TP; vai trò tham mưu hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và các sởm ngành có liên quan; chủ động quyết tâm của người đứng đầu các cấp; và việc bố trí nguồn lực hợp lý. 

Với sự đồng tâm hiệp lực, TP kỳ vọng sẽ có những bước phát triển về chuyển đổi số thực chất để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, công tác quản trị của TP ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn.

* TPHCM là đô thị lớn, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với dân số đông, khối lượng công việc nhiều chắc chắn sẽ khó tránh được khó khăn. Vậy khó khăn trong công tác chuyển đổi số ở TP gặp phải là gì?

- Chuyển đổi số không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà mục tiêu chính là thay đổi mô hình quản trị, thay đổi cách làm việc và phục vụ của các cơ quan Nhà nước; Là việc kiến tạo các sản phẩm mang giá trị mới, dịch vụ mới từ các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu và là thay đổi thói quen sử dụng, trải nghiệm mới của người dân trên môi trường số. Việc triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, tổng thể từ việc triển khai xây dựng Chính quyền số đến thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

TP là địa phương có số dân đông, là trung tâm kinh tế lớn nhất nên gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác chuyển số. Bên cạnh khó khăn trong thiếu hụt nguồn nhân lực triển khai công tác này, thì công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao thống nhất về nhận thức, tư duy và hành động để triển khai đồng bộ chương trình chuyển đổi số của TP của từng cơ quan Nhà nước, đến từng doanh nghiệp, từng người dân là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Do vậy, điều này sẽ được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Hiệp (thực hiện)

 

Nguồn: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh

 

 


Số lượt người xem: 83    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm