(HCM CityWeb) – Sáng 10/5, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị phân tích kết quả các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của TPHCM. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở UBND TPHCM và trực tuyến đến các điểm cầu quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phường, xã, thị trấn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu mở đầu hội nghị
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, xếp loại các chỉ số CCHC của TPHCM những năm qua cải thiện khá chậm. Hiện nay, TPHCM đang ở nhóm dưới trong số 63 tỉnh, thành phố, chưa ngang tầm, chưa xứng với nỗ lực của TP thời gian qua.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá làm rõ vì sao TP đã nỗ lực nhiều, quyết tâm, tập trung nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn; từ đó đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện trong năm nay.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đặt mục tiêu năm 2024, TPHCM phải cải thiện rõ nét hơn các chỉ số này so với năm 2023. Trong đó, TPHCM cố gắng cải thiện các chỉ số CCHC trong nhóm 10-15 tỉnh, thành phố đi đầu về CCHC là mục tiêu đã được đặt ra từ đầu. Vì vậy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể triển khai trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương báo cáo kết quả chỉ số PAR Index và chỉ số SIPAS năm 2023 của TPHCM
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương cho biết, theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của TPHCM đạt 86,97 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng về điểm số, thứ hạng và đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước). Kết quả này tăng 3 bậc so với năm 2022 (đạt 84,70 điểm, xếp thứ 36/63) và tăng 10 bậc so với năm 2021 (đạt 86,05 điểm, xếp thứ 43/63).
Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận TPHCM tuy có tăng về điểm và thứ hạng nhưng kết quả chưa cao, chưa đạt được chỉ tiêu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đối với chỉ số này.
Về chỉ số khảo sát hài lòng (SIPAS) và điều tra xã hội học, kết quả điểm khảo sát điều tra xã hội học năm 2023 của TPHCM đạt 16,89/22 điểm, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố. So với năm 2022 (kết quả đạt 15,74/22, xếp hạng 63), điểm khảo sát điều tra xã hội học của TPHCM đã tăng 1,15 điểm (tăng 4 hạng).
Kết quả chỉ số SIPAS của TPHCM năm 2023 đạt 8,16/10 điểm, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố. So với năm 2022 (kết quả đạt 78,38%, xếp hạng 43), mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,4% (tăng 7 hạng).
Phó Giám đốc Sở Nội vụ nêu những hạn chế cần khắc phục và đề xuất 8 giải pháp cải thiện. Một là thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.
Hai là tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền vào từng lĩnh vực cụ thể gắn với công tác kiểm tra, giám sát.
Ba là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian.
Bốn là rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế.
Năm là đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chuẩn mực quy tắc ứng xử.
Sáu là tập trung công tác Chuyển đổi số; vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.
Bảy là cải tiến công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Tám là đa dạng hóa công tác tuyên truyền cải cách hành chính.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ
Tập trung cải thiện các chỉ số trụ cột
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đánh giá các chỉ số CCHC của TPHCM có tăng hạng, nhưng một số chỉ số trụ cột trong CCHC đều thấp, như: chỉ số cải cách thể chế xếp 63/63 tỉnh, thành phố; cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 60/63; cải cách tổ chức bộ máy xếp thứ 56/63. Ông Phạm Minh Hùng cho rằng đây là những chỉ số quan trọng hàng đầu, quyết định kết quả công tác CCHC và đề nghị TPHCM tập trung cải thiện các chỉ số này.
Ông Phạm Minh Hùng gợi ý một số giải pháp để khắc phục, cải thiện các chỉ số còn hạn chế. Theo đó, cần nâng cao nhận thức; chuyển hóa thành hành động, kết quả cụ thể; trong đó cần sự quyết liệt, quyết tâm của người đứng đầu các cấp.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thường trực CCHC với các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện. Nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước (TTHC, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách). Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực CCHC; hoàn thiện việc xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu.
Song song đó, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, nhất là trong giải quyết TTHC. Không ngừng đổi mới, sáng tạo; mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình cải cách mới. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra; chú trọng thanh tra công vụ, trách nhiệm của công chức trong giải quyết TTHC,… Bố trí đủ nguồn lực t(tài chính, con người) cho thực hiện nhiệm vụ CCHC, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên.
Tiếp đó, hội nghị đã nghe báo cáo, tham luận của một số cơ quan, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; Sở Tư pháp về xây dựng thể chế; Sở Văn hóa và Thể thao về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; UBND Quận 1 về khảo sát hài lòng;…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu kết luận
Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp CCHC có hiệu quả
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá kết quả CCHC 2 năm gần đây của TPHCM có chuyển biến tích cực, các chỉ số được cải thiện hàng năm nhưng tính bền vững chưa cao. Vì vậy, TP cần nỗ lực và kiên trì nhiều hơn với nhiều giải pháp khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục ngay những điểm yếu đã được chỉ ra. Đặc biệt, trong chỉ đạo điều hành phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo TP về kết quả CCHC của cơ quan, đơn vị mình.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp CCHC có hiệu quả để thực hiện đồng bộ trên toàn TP. Tập trung tiếp nhận và giải quyết TTHC thống nhất trên Cổng dịch vụ công của TP kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, không sử dụng hệ thống khác. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu kiểm tra, xử lý các cơ quan sử dụng song song 2 hệ thống, đồng thời ưu tiên thực hiện TTHC trực tuyến toàn trình.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng yêu cầu chuyển trạng thái từ quy trình giấy thành quy trình số; áp dụng chữ ký số 100% trong nội bộ cơ quan; đồng thời chọn ít nhất 2-3 thủ tục áp dụng văn bản số, chữ ký số khi phát hành ra bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 và kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các nội dung đã phân cấp, ủy quyền trước đây.
Về tổ chức triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, trong tháng 5 UBND TP sẽ ban hành 1 chỉ thị và 3 kế hoạch về công tác CCHC.
Quang cảnh hội nghị
Minh Thư
Nguồn: HCM CityWeb