Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2025 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “Closing the Early Warning Gap Together”- “Chung tay vì một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện”. Với chủ đề này, WMO nhằm kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường năng lực quốc gia và thúc đẩy hợp tác ở mọi cấp độ, đảm bảo cho hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả từ quy mô toàn cầu đến quy mô địa phương, góp phần rút ngắn khoảng cách trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giúp các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, bảo vệ cộng đồng, giúp cộng đồng dễ tiếp cận, chủ động hành động sớm góp phần bảo vệ thành quả lao động.
Ngày Khí tượng thế giới ra đời vào ngày 23/3/1950 từ khi Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới có hiệu lực. Từ đó tới nay, Công ước này đã thể hiện sự đóng góp thiết yếu không ngừng của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội trên Thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là mối hiểm họa.
Lộ trình sáng kiến cảnh báo sớm được Hội đồng điều hành WMO thông qua vào tháng 6/2024, bao gồm các hành động nhằm tăng cường triển khai và sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ về thiên tai, trong đó có các thiên tai về khí tượng thủy văn. Mục tiêu của lộ trình là thu hẹp những khoảng cách về mạng lưới quan trắc trong các sản phẩm vệ tinh và dữ liệu, và trong hệ thống xử lý và tích hợp dự báo của WMO. Lộ trình sử dụng toàn bộ mạng lưới WMO và tăng cường năng lực hệ thống cảnh báo để bảo vệ tính mạng và sinh kế; xác định các mối nguy hiểm ưu tiên, bao gồm lũ quét và lũ lụt sông; xoáy thuận nhiệt đới và bão ngoài nhiệt đới, sóng nhiệt, sóng lạnh, giông bão, hạn hán, ngập lụt ven biển, bão dâng và các mối nguy hiểm liên quan đến tầng băng như dòng chảy ra từ hồ băng. Nó cũng trích dẫn các mối nguy hiểm về môi trường như cháy rừng, bão cát và bụi, sóng thần, lở đất và hoạt động núi lửa.
Lộ trình sáng kiến cảnh báo sớm đã được triển khai ở một số quốc gia ban đầu và hiện đang được mở rộng sang các quốc gia khác. Chỉ có 50% quốc gia trên thế giới báo cáo có hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai đầy đủ và có những khoảng cách lớn trong các quan sát trên khắp Châu Phi, một số vùng Thái Bình Dương và Tây Mỹ Latinh. Trong số 30 quốc gia ban đầu được chọn để triển khai hỗ trợ phối hợp Cảnh báo sớm, một nửa trong số các Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Quốc gia (NMHS) hiện đang hoạt động với năng lực giám sát và dự báo ở mức cơ bản và gần một phần tư có năng lực dưới mức cơ bản. Do đó, chủ đề Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2025 có ý nghĩa nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế để cùng nâng cao năng lực giám sát, dự báo của các quốc gia, từ đó phát huy giá trị của Lộ trình sáng kiến cảnh báo sớm về đa thiên tai.
Để hưởng ứng các sự kiện Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức phát động, hưởng ứng và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, đoàn thể tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực, hiệu quả, phù hợp chủ đề với các thông điệp tuyên truyền như: Chung tay vì một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện; Cùng nhau thu hẹp khoảng trống trong cảnh báo sớm- Bảo vệ sự sống; Rút ngắn khoảng cách trong cảnh báo sớm vì tương lai bền vững; Kết nối cộng đồng về cảnh báo sớm vì một thế giới an toàn; Hợp tác toàn cầu để xóa bỏ khoảng trống trong cảnh báo sớm; Chung tay kiến tạo hệ thống cảnh báo sớm- không ai bị bỏ lại phía sau; Hợp tác để tăng cường cảnh báo sớm vì một tương lai an toàn./.
Xem tại đây