
Các tình nguyện viên đang thu hoạch chất thải phân loại được người dân chuyển giao.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, khó khăn nhất khi triển khai lại dự án phân loại rác tại nguồn là sự bất hợp tác từ phía người dân. Sự thiếu đồng bộ trong hoạt động thu gom từ những chương trình triển khai hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải trước đây đã khiến nhiều người không còn tin tưởng vào dự án. Do vậy, ngay trước khi triển khai dự án, công ty đã phải tổ chức tập huấn và lập kế hoạch thu gom rác theo loại mà người dân đã phân loại. Theo đó, rác thải hữu cơ hay còn gọi là rác thực phẩm, được công ty bố trí thu gom hàng ngày để không ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của người dân. Lượng rác vô cơ người dân được vận động tích lũy trong gia đình và chỉ chuyển giao cho lực lượng thu gom vào một ngày cố định trong tuần. Không dừng lại đó, lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện hoạt động phân loại và chuyển giao rác thải cũng được quan tâm. Tùy vào khối lượng rác thải vô cơ mà người dân chuyển giao sẽ được quy đổi thành những sản phẩm thiết yếu gia dụng phục vụ lại cho đời sống sinh hoạt gia đình.
Tình nguyện viên đến từng nhà hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn.
Một yếu tố góp phần quan trọng tạo nên thành công cho các khu phố xanh, đó là đội ngũ tuyên truyền viên. Đội ngũ này chính là lực lượng thanh niên, đoàn viên, sinh viên. Sau khi được tập huấn kiến thức, các tình nguyện viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người dân tin vào hoạt động của dự án là mang tính bền vững. Kế đến, họ sẽ phải cùng với người dân tìm ra những giải pháp để có thể phân loại và chuyển giao rác thải một cách hợp lý nhất.
Có thể nói, sự thành công bền vững của dự án phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng người dân, tình nguyện viên và lực lượng thu gom. Việc công ty xây dựng nên vòng tròn phối hợp và liên kết giữa các yếu tố trên chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của dự án xây dựng khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn. Điều này đã được chứng minh bằng kết quả thực tế tại tuyến đường Độc Lập, Lê Khôi, Lê Lư và Tân Sơn Nhì quận Tân Phú. Hơn 80% hộ gia đình đã tham gia phân loại và chuyển giao rác phân loại cho lực lượng thu gom. Điều đáng nói là hiệu quả trên đã và đang được duy trì từ năm 2013 đến nay. đơn vị tổ chức cho biết, trong thời gian tới sẽ phát huy và nhân rộng kết quả trên cho toàn thành phố - khu vực đang có lực lượng chính quy đảm nhiệm công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn đô thị.
Theo SGGP Online