Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, so với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai sửa đổi có một số điểm đổi mới quan trọng. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật của người dân, Luật hướng tới mục tiêu góp phần giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay như: Giảm các khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế của đất nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể các quyền của Nhà nước, cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai, cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai và trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Đồng thời, dự thảo tiếp tục hoàn thiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo hướng tùy theo đối tượng sử dụng đất, hình thức sử dụng đất mà người sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ khác nhau và phải tuân thủ các điều kiện theo quy định khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Dự thảo cũng hoàn thiện các cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai. Theo đó, dự thảo Luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất; quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận; mở rộng các đối tượng thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Ngoài ra, dự thảo lần này tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa.
Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho đa mục tiêu. Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cũng như tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai.Qua đó, hạn chế các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; quy định rõ các trường hợp được bồi thường, không được bồi thường, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo cũng hướng tới mục tiêu thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, các trường còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định ghi cả họ, tên vợ và chồng vào Giấy chứng nhận; Nhà nước có chính sách đối với đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội.