Mặc dù các quận đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng người dân “đầu độc” kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN), tuy nhiên do phối hợp không đồng bộ nên rác vẫn bồng bềnh kín kênh.
Để giữ cho dòng kênh có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng không tái ô nhiễm, ngoài sự quyết liệt của chính quyền,
rất cần sự đồng thuận, tự giác tham gia của người dân Ảnh: TẤN THẠNH
Mỗi nơi một kiểu
Theo ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TPHCM, kênh NL-TN chảy qua địa bàn 2 phường Tân Định và Đa Kao của quận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dòng kênh ngày càng ô nhiễm: rác từ sông trôi vào, rác do người dân ven kênh ném xuống; ngoài ra, những người bán hàng rong cũng góp phần làm cho dòng kênh kín rác.
“Khó khăn trước mắt và lâu dài là phải làm sao cho người dân hiểu được lợi ích của việc làm cho dòng kênh sạch hơn chứ chỉ xử phạt thì rất khó. Lãnh đạo quận 1 đã giao các phường tổ chức cho hội phụ nữ, tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định để lực lượng vệ sinh môi trường thu gom. Đối với những người bán hàng rong, xe đẩy trên địa bàn, các phường đã ghi lại tên tuổi, địa chỉ nơi họ ở trọ để đến tận nơi nhắc nhở, vận động không đổ rác xuống kênh”- ông Hòa cho biết.
Còn ông Đinh Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho rằng do quận Tân Bình nằm ở cuối dòng kênh nên rác và lục bình các nơi trôi về, tụ thành đám lớn. Ngoài ra, những người bán bắp luộc, trái cây cũng thường xuyên đổ rác xuống kênh lúc nửa đêm. Quận đã phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên vớt rác nhằm hạn chế thấp nhất lượng rác trên kênh.
“Một số quận đề xuất làm lưới chắn rác ở đầu nguồn kênh NL-TN để rác không trôi từ sông vào nhưng đề xuất này không khả thi vì ảnh hưởng đến giao thông thủy. Phía quận Tân Bình cũng vận động người dân cam kết không đổ rác xuống kênh; ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên nạo vét các nhánh kênh nhỏ để rác không theo con nước trôi ra kênh” - ông Huy nói.
Công an cùng tham gia
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, sở này vừa trình UBND TPHCM dự thảo chỉ thị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn TP, trong đó có cả việc kiểm soát tình trạng rác thải trên kênh NL-TN. Theo tổ thực hiện dự thảo (gồm nhiều sở, ngành liên quan), tình trạng ô nhiễm tại các khu đô thị, vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị… vẫn tiếp diễn trên địa bàn TP.
Nguyên nhân do công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền chưa đồng đều, lực lượng kiểm tra mỏng, việc kiểm tra - xử lý vi phạm chưa triệt để, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Để chấn chỉnh tình trạng này, TP chỉ đạo chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai các mô hình đường phố không rác, khu phố không rác. Đồng thời, tổ chức sắp xếp, quy hoạch khu vực buôn bán cho người lao động bảo đảm vệ sinh nơi công cộng… Các hoạt động phải được báo cáo lên TP định kỳ 6 tháng/lần.
Cũng theo dự thảo, Công an TP được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Sở Tài chính xem xét, nghiên cứu và hướng dẫn về cơ chế thu - chi nguồn xử phạt vi phạm hành chính để hỗ trợ cho quận - huyện bảo đảm nguồn kinh phí trong hoạt động tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm.
Riêng Sở Tài Nguyên- Môi trường sẽ là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các chương trình, đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vớt rác không xuể
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, lượng rác trên kênh NL-TN chưa có dấu hiệu giảm bớt. Ngày bình thường, công ty tiến hành vớt 2 ngày/lượt, trung bình từ 11-12 tấn rác/ lượt. Những ngày giáp Tết, công ty tăng cường vớt hằng ngày nhưng khối lượng rác vẫn tăng đột biến: lượng rác vớt ngày 8-2 (nhằm 28 tháng chạp) là 14 tấn, ngày 9-2 là 16 tấn và đến ngày 12- 2 là 8,5 tấn.
“Chúng tôi được Sở GTVT thông báo đã đóng các cửa xả trên kênh NL-TN, nghĩa là không có rác từ các kênh nhánh ở các nơi đổ về nhưng rác vẫn tăng đột biến, điều đó cho thấy vẫn có tình trạng xả rác trực tiếp xuống kênh. Loại rác vớt được chủ yếu là rác sinh hoạt cũng phản ánh điều đó” - ông Hoàng cho biết.
Bên cạnh đó, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cũng gặp nhiều khó khăn khi gặp phải loại rác có kích thước lớn, nặng: cây gỗ, nệm, xô pha… Lúc đó, phải dùng cưa để xẻ nhỏ hoặc kéo dẫn về bến và dùng cần cẩu đưa lên xe vận chuyển về bãi xử lý.
M.Khanh
|