Thực hiện Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy tờ nhà đất), TPHCM đã thống kê có khoảng 311.719 giấy tờ nhà đất cần phải cấp cho người dân. Sau gần một năm, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường và các quận, huyện mới chỉ cấp được 69.676 giấy tờ (tính đến tháng 12-2012), đạt 45% so với kế hoạch.
|
Người dân làm giấy tờ nhà đất tại Sở TN-MT TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân
|
Tồn tại cũ
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, các trường hợp chưa thể cấp giấy tờ nhà đất chủ yếu rơi vào các tình huống sau: có nguồn gốc đất phức tạp, chia, cấp đất bất hợp pháp, mua bán đất bằng giấy tay sau ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, nhà đất có tranh chấp… Những trường hợp này, ngành chức năng cần có thời gian xem xét, giải quyết dứt điểm các vướng mắc mới có thể cấp giấy chứng nhận nhà đất.
Khảo sát cụ thể tại quận Thủ Đức, một trong những quận có tốc độ đô thị hóa cao của TPHCM còn cho thấy có một số nguyên nhân khác nữa khiến công tác cấp giấy chứng nhận nhà, đất gặp nhiều khó khăn. Đó là việc nhà đất của dân không phù hợp quy hoạch, chiếm 66% trong tổng số hồ sơ mà cơ quan quản lý đất đai buộc phải có văn bản trả lời chưa thể cấp giấy tờ nhà đất và người dân tự rút hồ sơ. Xây dựng không phép, sai phép chiếm 15% trong số hồ sơ này và chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành là 14%, sử dụng đất có nguồn gốc do Nhà nước trực tiếp quản lý: 5%.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, tiền sử dụng đất mà người dân phải đóng quá cao cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tiến độ cấp giấy tờ nhà đất chậm so với kế hoạch. Theo các quy định của pháp luật, số tiền này có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, đặc biệt đối với nhà đất tạo lập sau ngày 15-10-1993. Nhiều người dân có nhà đất tạo lập trước ngày 15-10-1993 cũng buộc phải thực hiện quy định này nếu như họ có từ hai nhà đất trở lên.
Chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở do có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý xây dựng trong quá trình thực hiện dự án không mặn mà với việc làm giấy tờ nhà đất cho khách hàng của mình là một vướng mắc khác nữa trong việc cấp giấy tờ nhà đất cho dân. Không ít người dân-khách hàng của các dự án này đã lên tiếng và ngay cả cơ quan chức năng cũng đã can thiệp song việc cấp giấy tờ nhà đất trong nhiều dự án phát triển địa ốc chưa nhanh được. Từ năm 2001 đến tháng 10-2012, TPHCM đã thực hiện 839 dự án phát triển địa ốc, diện tích 7.762,5ha với tổng số căn hộ và nhà liên kế khoảng 158.000 căn. Trong đó, chủ của 84.801 căn hộ và nhà liên kế đã được cấp giấy tờ nhà đất, chiếm 53,2%.
Tháo gỡ vướng mắc
Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng… kiến nghị một số giải pháp xử lý các vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho việc cấp giấy chứng nhận nhà đất tại TPHCM hoàn thành đúng kế hoạch.
Đối với trường hợp nhà đất tạo lập sau ngày 15-10-1993 và trước khi có quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận nhà đất không phù hợp quy hoạch, nếu Nhà nước chưa xác định được thời gian thực hiện quy hoạch (thời gian triển khai dự án đầu tư) thì vẫn cấp giấy tờ nhà, đất cho dân. Đối với người dân mua đất và xây nhà tại các dự án phát triển nhà ở, do gặp khó khăn mà người dân xây dựng nhà không đúng với thiết kế mẫu được duyệt với quy mô nhỏ hơn song vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị thì cũng nên được cấp giấy tờ nhà, đất.
Riêng về việc người dân đóng tiền sử dụng đất, TPHCM kiến nghị xem xét miễn giảm tối đa số tiền này để khuyến khích người dân làm giấy tờ nhà đất. Với người có hai căn nhà trở lên nhưng tổng diện tích đất không vượt hạn mức giao đất ở thì vẫn được miễn đóng tiền sử dụng đất trừ trường hợp người dân được giao đất lần thứ hai.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đối với việc cấp giấy tờ nhà đất trong các dự án phát triển địa ốc, thành phố đã triển khai thực hiện theo hướng nếu người dân - khách hàng mua nhà, đất của các dự án này đã trả xong tiền mua thì sẽ được xem xét, cấp giấy tờ nhà đất. Việc sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng của chủ đầu tư sẽ bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật.