UBND TPHCM vừa có buổi làm việc cùng với lãnh đạo TP Osaka, Nhật Bản. Nhật Bản đã có nhiều cam kết hỗ trợ TPHCM, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung cấp thiết mà TPHCM đang triển khai thực hiện nhằm đạt những mục tiêu mà chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường TPHCM đã đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2015.
|
Do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao nên đã có rất nhiều bãi tập kết rác tự phát hình thành trong các khu dân cư trên địa bàn TPHCM.
|
Cần cải tiến công nghệ xử lý
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, lượng chất thải phát sinh của TPHCM vào khoảng 8.000 - 9.000 tấn/ngày. Trong đó, chất thải phát sinh từ công nghiệp khoảng 1.200 tấn - 1.500 tấn/ngày; chất thải từ y tế là 9 tấn - 12 tấn/ngày; chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 6.000 tấn - 7.000 tấn/ngày. Vấn đề xử lý khối lượng rác khổng lồ này lại đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế về công nghệ, nhân lực và đặc biệt là nguồn vốn. Điều này đã và đang ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của người dân TPHCM. Ông Nguyễn Trung Việt, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, cụ thể với chất thải rắn đô thị, từ khâu thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn, đến việc vận chuyển rác và xử lý rác đều đang rất bất cập. Khâu thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết phụ thuộc vào lực lượng rác dân lập. Mà lực lượng này lại không thuộc bất kỳ tổ chức nào nên việc quản lý, kiểm soát chất lượng công việc của đội ngũ này gần như không có.
Chưa hết, những biện pháp kỹ thuật được áp dụng để xử lý chất thải rắn đô thị hiện tại được đánh giá là khá lạc hậu khi chủ yếu là sử dụng phương pháp chôn lấp tại các bãi rác. Số ít được tái chế thành phân compost nhưng hiệu quả đầu ra chưa cao. Còn chất thải nguy hại thì tệ hơn. Hiện hạ tầng dành cho xử lý loại chất thải này trên thành phố gần như trống không. Chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị vừa đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải nguy hại với công suất 21 tấn/ngày - không thấm gì so với số lượng chất thải phát sinh khoảng 600 tấn ngày. Đã thế, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, khẳng định, từ khi đưa vào hoạt động, nhà máy chưa bao giờ chạy hết công suất. Nguyên nhân là không có đủ chất thải để chạy. Điều này đã chứng tỏ lượng chất thải nguy hại phát sinh trên thực tế là rất lớn nhưng số lượng được xử lý lại rất nhỏ. Điều này cũng chứng tỏ việc quản lý đối với loại chất thải này cũng đang hết sức bất cập và lượng lớn chất thải này đang thoát ra môi trường không thể kiểm soát nổi. Chỉ riêng với lượng nhỏ rác y tế được xử lý bằng công nghệ đốt khá tiên tiến.
Mặt khác, có thể nói, hiện công tác quản lý chất thải rắn tại TPHCM vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Công nghệ xử lý chất thải rắn chưa được chú trọng nghiên cứu và chưa hoàn thiện, còn phân tán, khép kín theo địa giới hành chính. Việc đầu tư quản lý hạ tầng của lĩnh vực này cũng còn kém hiệu quả. Các công nghệ xử lý rác thải hiện có của TPHCM phần lớn chưa thật sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và thường ở quy mô nhỏ, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý chất thải. Các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại hầu hết là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều, dẫn đến việc cạnh tranh chưa thật sự công bằng. Do không được quy hoạch và thiết kế hợp lý ngay từ đầu, cộng với việc quản lý vận hành yếu kém nên tại các bãi rác của TPHCM hiện nay đã nảy sinh hàng loạt các vấn đề hết sức nan giải về ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên nước dưới đất.
Tăng cường điều chỉnh công nghệ nhưng…
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, cải tạo công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung là cần thiết. Do vậy mà từ đầu năm 2007 đến nay, sở không ngừng mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá xử lý chất thải của mỗi công nghệ rất khác nhau. Vì thế, để lựa chọn và đưa vào đầu tư dự án nào, công nghệ nào cũng phải tính toán rất kỹ, và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tại nội lực của kinh tế TPHCM và thu nhập của người dân. Ông Nguyễn Trung Việt khắc họa thêm, để xử lý một tấn chất thải rắn đô thị bằng phương pháp chôn lấp và phân compost, ngân sách chỉ phải chi trả khoảng 5 - 19USD. Nhưng cũng với một tấn này nếu xử lý bằng phương pháp đốt thì mất khoảng 35USD. Chính vì thế mà theo ông Đào Anh Kiệt, việc đầu tư cần phải có lộ trình phù hợp. Mà muốn xây dựng được lộ trình này thì ngay từ bây giờ cần có những bước tìm hiểu, tham khảo và thậm chí là thử nghiệm.
Ông Nguyễn Trung Việt đề xuất, trước hết để tăng cường tối đa hiệu quả của các công nghệ xử lý rác hiện tại cũng như trong thời gian tới cần phải tăng cường biện pháp phân loại rác tại nguồn một cách triệt để. Vì khi đó công nghệ lựa chọn để xử lý sẽ đơn giản hơn, chi phí cũng ít hơn. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới công nghệ và kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và trách nhiệm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhìn nhận, hiện nay tổng lượng chất thải phát sinh của cả nước lên đến 23.000 tấn/ngày, riêng ở TPHCM gần khoảng 10.000 tấn/ngày. Một con số đủ để thấy cần phải có một hệ thống thu gom và xử lý lớn, triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống của con người. Vì vậy, khi xử lý chất thải rắn nguy hại lẫn không nguy hại, cơ sở xử lý, nhất là những khu xử lý rác tập trung phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; có phương án dự phòng cần thiết để đối phó với những sự cố có thể xảy ra. Còn về lâu dài, cơ quan chức năng sẽ tập trung ưu tiên cho những nhà máy có công nghệ tái chế, đảm bảo tính thích hợp và chắc chắn với diễn biến thành phần và tính chất rác thải trong bất kỳ điều kiện khí hậu, thời tiết hay các chế độ thủy văn nào của khu vực xử lý rác; đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại đối với sức khỏe con người.
Ái Vân - Minh Hải