• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
6
2
9
5
3
1
Tin tức sự kiện 04 Tháng Ba 2013 1:10:00 CH

Thu hồi đất nông nghiệp: Đừng để đầu nậu lợi hơn dân

 “Dự án bị thu hồi đất do chậm tiến độ sẽ không được bồi hoàn” - đó là một quy định mới tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thảo luận sôi nổi tại hội thảo Giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ TN&MT tổ chức tại TP.HCM, ngày 1-3.

 

Buổi hội thảo này góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 69/2009 về bồi thường hỗ trợ, tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho rằng cần phân loại trong trường hợp này. Phần đầu tư hợp pháp thì vẫn được giải quyết, chỉ không bồi hoàn cho phần vi phạm. Đồng thời, nên quy định rõ là không hồi tố với những trường hợp trước khi có luật mới.

Ông Hoàng Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhận xét: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 69/2009 đưa ra quy định cưỡng chế kiểm đếm, đo đạc nếu người sử dụng đất không chấp hành là rất khó khăn. “Người sử dụng đất có thể bị hai lần cưỡng chế: khi kiểm kê và khi thu hồi đất. Chỉ nên quy định kiểm kê bắt buộc bằng một quyết định hành chính như lâu nay địa phương vẫn làm” - ông Cường bày tỏ.

Ông Cường cũng đề nghị làm rõ quy định về mức hỗ trợ 1-5 lần đối với đất nông nghiệp thuần bị thu hồi cho đối tượng trực tiếp sản xuất. “Tiêu chí nào để chọn một lần hay năm lần? Hiện những vùng giáp ranh của các địa phương có các mức hỗ trợ khác nhau. Có nơi chọn năm lần, có nơi chọn 1,5 lần dẫn đến so bì, thắc mắc mà không thể trả lời” - ông Cường cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. “Đề nghị hỗ trợ cho đối tượng không trực tiếp sản xuất với mức 80% để tránh tình trạng họ lách bằng cách chuyển nhượng lại cho người sản xuất nông nghiệp” - ông Hồng góp ý.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho hay: Việc xác định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp dựa trên căn cứ xác nhận của địa phương đây là nguồn sống chủ yếu của họ. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn với người khác địa phương.

“Nhiều người có hộ khẩu tại quận trung tâm TP.HCM xuống Đồng Nai mua đất cũng được địa phương xác nhận. Có trường hợp khu đất nông nghiệp bị thu hồi đang trồng trọt. Chủ đất được địa phương xác nhận đây là khoản thu nhập chính nên được bồi thường, hỗ trợ đến 20 tỉ đồng. Sau đó, chính quyền phát hiện người này có thành lập doanh nghiệp tư nhân nên rút lại khoản hỗ trợ 12 tỉ đồng, dẫn đến khiếu nại gay gắt” - ông kể.

Nhiều ý kiến khác cho rằng không nên quy định đối tượng trực tiếp sản xuất hay không. Thay vào đó chỉ quy định đối tượng nhận hỗ trợ là người được giao đất nông nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp căn cứ vào diện tích đất bị thu hồi như lâu nay là không hợp lý. Bởi khi đó đầu nậu thu gom đất lại được hỗ trợ nhiều hơn người nông dân có đất ít.

Cơ chế thỏa thuận bồi thường cũng là nội dung được các địa phương góp ý khá nhiều. Đa số ý kiến cho rằng phương án Nhà nước thu hồi đất rồi bán đấu giá cho chủ đầu tư là công bằng, khách quan nhất.

CẨM TÚ


Số lượt người xem: 3788    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm