Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đang tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng lộ trình thực hiện công tác phân loại rác từ nguồn. Phân loại rác từ nguồn đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện và thu được rất nhiều lợi ích từ hoạt động này. TPHCM đã từng thí điểm thực hiện phân loại rác từ nguồn…
|
Hầu hết rác thải thu gom từ các hộ gia đình đều không được phân loại từ nguồn. Ảnh: Phạm Kim Ngân
|
Nhiều bài học từ thực tế
Thực tế thí điểm phân loại rác tại nguồn ở TPHCM cho thấy, đây là công tác không đơn giản. Tại quận 6, nơi Sở Tài nguyên - Môi trường thí điểm triển khai phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân và các trường học và đã đạt được một số thành quả đáng kể như có tới 80% người dân quận 6 tham gia chương trình trong đó có hơn 50% thực hiện phân loại đúng. Thế nhưng, chương trình lại không nhận được sự đồng tình của lực lượng thu gom rác dân lập bởi đã làm giảm nguồn thu nhập do không được nhặt phế liệu.
Hơn nữa, việc thay đổi phương thức thu gom từ thu gom chung cho tất cả các loại rác sang việc phải có hai thùng riêng biệt: rác vô cơ và hữu cơ đã gây khó khăn cho đơn vị thu gom. Đa số các đơn vị thu gom chỉ có phương tiện thu gom rác theo dạng một thùng đựng rác chung. Việc thay đổi phương tiện thu gom đòi hỏi phải có kinh phí song điều này vượt khả năng của phần lớn người đi thu gom rác.
Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tại chợ Bình Điền do Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai thực hiện từ năm 2011 cũng gặp một số khó khăn: Các tiểu thương không thực hiện phân loại chất thải theo như phương án ban đầu đề ra do thời gian hoạt động của các tiểu thương diễn ra liên tục từ 0 giờ đến 3 giờ. Tiểu thương không thể vừa kinh doanh vừa thải bỏ chất thải rắn đúng thành phần (rác hữu cơ bỏ riêng với rác vô cơ) vào các thùng rác.
Cùng với chợ Bình Điền, Sở Tài nguyên - Môi trường còn triển khai công tác phân loại rác từ nguồn tại hệ thống siêu thị Co.opMart. Khách hàng tiếp cận chương trình này tại siêu thị chủ yếu thông qua phát thanh trên loa và tờ bướm nên chưa tạo được sự chú ý cần thiết cho khách hàng. Hầu hết khách hàng tiện tay bỏ chất thải vào thùng mà không quan tâm đến có phải đó là thùng chứa chất thải rắn hữu cơ hay chất thải vô cơ.
Ngay trong quá trình thí điểm, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã chủ động tháo gỡ các khó khăn như là một cách để hoàn thiện thêm giải pháp triển khai sâu rộng công tác phân loại rác từ nguồn trên địa bàn thành phố. Đơn cử, khi thực hiện phân loại tại chợ đầu mối Bình Điền, Sở Tài nguyên - Môi trường nhận thấy, rác tại hầu hết các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố là rác hữu cơ (khoảng 95%). Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã quyết định không tổ chức phân loại rác tại các chợ đầu mối nữa mà thu gom riêng các loại rác này và vận chuyển trực tiếp về Công trường xử lý chất thải rắn Đa Phước thuộc Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) hoặc Công ty CP Vietstar để sản xuất thành phân compost. Hiện nay, quy trình thu gom riêng tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền đã đi vào ổn định với tổng khối lượng trung bình 100 tấn/ngày về các nhà máy xử lý nêu trên.
Kế hoạch dài hơi…
|
|
* Mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TPHCM được thu gom và vận chuyển lên bãi chôn lấp khoảng 6.700 - 7.000 tấn, trong đó chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sinh học chiếm 55% - 60%. |
|
Để chương trình triển khai được thành công và nhân rộng đến từng đối tượng, nhất thiết phải hoàn thiện hệ thống từ thu gom đến vận chuyển và tái chế. Hiện tại TPHCM đã có một số nhà máy tái chế và khu xử lý rác như ViêtStar, Tâm Sinh Nghĩa, VWS… có thể tái chế rác. Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là hỗ trợ và khuyến khích đơn vị thu gom rác dân lập tham gia chương trình, đồng thời TPHCM cũng phải có cơ chế hỗ trợ kinh phí thay đổi phương tiện vận chuyển rác cho họ. Ngoài ra, việc xây dựng các văn bản pháp luật chặt chẽ liên quan đến phân loại chất thải rắn tại nguồn đề từ đó có cơ sở chế tài và khen thưởng, xử phạt triệt để các đối tượng không thực hiện công tác phân loại rác từ nguồn cũng rất quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định. Công tác tuyên truyền lâu dài, vận động sâu rộng người dân tham gia công tác phân loại rác từ nguồn không thể thiếu. Thực tế ở quận 6 cho thấy, khi công tác tuyên truyền ít đi thì tỷ lệ người dân tích cực tham gia công tác phân loại rác từ nguồn giảm ngay.
Sở Tài nguyên - Môi trường đã xây dựng một lộ trình rất cụ thể cho chương trình phân loại rác tại nguồn. Theo đó, sẽ có từng bước đi thích hợp cho từng giai đoạn. Ví dụ như từ nay đến 2015, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất chưa thực hiện ngay đại trà phân loại chất thải rắn tại hộ dân mà thực hiện phân loại chất thải rắn cho các đối tượng có chọn lọc như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các siêu thị, các cơ quan, trường học… Mục tiêu của giai đoạn này là tạo nguồn hữu cơ “sạch” cung cấp cho các nhà máy xử lý chất thải thành phân compost của thành phố. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản lý. Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Kết quả thực hiện của giai đoạn này là cơ sở để đánh giá và điều chỉnh kế hoạch để thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ dân từ năm 2016 trở đi.
Sở Tài nguyên - Môi trường đang nghiên cứu sẽ thực hiện theo phương pháp “cuốn chiếu”, nghĩa là thực hiện từ các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn đã có sẵn hệ thống phân loại và kết nối tốt với hệ thống thu gom chất thải rắn do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM hoặc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận huyện đảm nhiệm. Tất nhiên, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận huyện phải đảm bảo có đủ phương tiện và kỹ thuật để vận chuyển riêng biệt hai loại chất thải đã phân loại đến nhà máy xử lý tập trung. Sau đó mở rộng mạng lưới hệ thống thu gom đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nêu trên đến các doanh nghiệp, cơ quan, trường học và khu dân cư cao cấp (trong phạm vi thu gom của mạng lưới này). Tiếp nữa, mở rộng đến các đối tượng còn lại.
Tâm Đức
|
|
7 kinh nghiệm của thế giới về phân loại rác từ nguồn
1. Phải có mục tiêu cụ thể cho chương trình. Mục tiêu phân loại chất thải của mỗi quốc gia phụ thuộc vào đặc điểm thành phần chất thải và định hướng công tác xử lý chất thải. Mục tiêu của các nước có thể khác nhau, nhưng tựu chung có 3 mục tiêu lớn: (1) Phân loại thành nhiều loại càng tốt để tái sử dụng chất thải, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, (2) tăng cường hiệu quả của hệ thống tái chế và xử lý chất thải, (3) nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường và tạo động lực thúc đẩy ngành sản xuất các sản phẩm đồ dùng thân thiện với môi trường.
Khi xác định mục tiêu cụ thể thì xây dựng kế hoạch, tài chính, thời gian thực hiện cho từng mục tiêu và kiên định thực hiện đến khi đạt được hiệu quả.
2. Phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải. Đối với hệ thống xử lý chất thải phải đảm bảo có đủ nhà máy tái chế theo từng loại chất thải được phân loại. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải không có giá trị, các phế liệu do tư nhân tái chế.
3. Hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ trước khi thực hiện. Đây là nội dung quan trọng nhất, vì có cơ sở pháp lý đầy đủ mới có thể triển khai chương trình, từ tuyên truyền đến xử lý các hành vi vi phạm trong phân loại; kêu gọi các đơn vị tư nhân tham gia đầu tư xây dựng trạm trung chuyển cũng như tái chế phế liệu thu gom được từ chương trình; kêu gọi các tổ chức xã hội tham gia tuyên truyền trong cộng đồng địa phương về phân loại chất thải rắn tại nguồn...
4. Công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu và thực hiện liên tục bằng nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Trong quá trình thực hiện phân loại rác vẫn tuyên truyền và duy trì liên tục.
5. Phân loại chất thải rắn tại nguồn được xây dựng kế hoạch trong 5 năm và ước tính chi phí thực hiện cho cả giai đoạn trên. Nhà nước chuẩn bị nguồn kinh phí thực hiện và giải ngân hàng năm tùy thuộc vào khối lượng và hiệu quả công việc đạt được.
6. Sự thống nhất về mục tiêu thực hiện của hệ thống chính trị từ thành phố đến địa phương và duy trì ổn định qua các thế hệ lãnh đạo. Mục tiêu thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được thành phố quy định và có biện pháp triển khai cụ thể cho từng địa phương.
7. Nhân sự thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn từ trung ương đến địa phương phải được đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước phục vụ cho quá trình nghiên cứu, theo dõi và phối hợp với nhau cùng triển khai chương trình này đến từng đối tượng.
Sơn Lam
|
|
|