Tại nhiều khu dân cư (KDC) mới ở TPHCM đã lặng lẽ diễn ra nạn xà xẻo đất quy hoạch công viên cây xanh, đường giao thông biến thành đất ở. Hậu quả để lại cho xã hội là những KDC dày đặc, thiếu diện tích đất công cộng. Vậy nhưng việc khắc phục sai phạm, trả lại nguyên trạng quy hoạch lại quá khó, vì trong quá trình chuyển đổi có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền.
Chủ đầu tư các KDC mới phải thực hiện đúng bản đồ án quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Vậy nhưng, trên thực tế, vì lợi nhuận, các chủ đầu tư không ngần ngại phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng các công trình trái phép trên phần đất công viên cây xanh, công trình công ích.
|
Minh họa: A.Dũng
|
Phù phép đất công
TPHCM đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Nhiều quận, huyện có đến cả trăm dự án KDC mới. Theo quy định, tất cả các dự án trước khi thực hiện đều được các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, tỷ lệ đất dành xây dựng nhà ở, công viên cây xanh, giao thông, công trình công ích… đều được quy định rõ. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện dự án, nhiều chủ đầu tư đã cố ý tận dụng xây dựng các công trình tự phát trên đất công ích.
Tại các dự án KDC phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), Nam Sài Gòn (huyện Nhà Bè), chủ đầu tư đã xây dựng trạm biến thế trên phần đất được quy hoạch dành cho cây xanh. Còn dự án KDC phường Bình Trưng Đông (quận 2), chủ đầu tư đã xây dựng 3 sân bóng đá trên phần đất quy hoạch cây xanh và hồ điều tiết. Khai thác các sân bóng này đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho chủ đầu tư. Tại dự án khu nhà ở CBCNV Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su (quận Tân Phú), dự án KDC Phú Long (huyện Nhà Bè), chủ đầu tư xây dựng nhà để xe trên diện tích đất cây xanh.
Việc đất công viên cây xanh, công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích đã phá vỡ quy hoạch, và chính những người mua đất, xây dựng nhà, trở thành cư dân tại các KDC này gặp nhiều thiệt thòi. Khi mua đất ở các KDC, giá căn cứ vào vị trí quy hoạch, nơi có công viên cây xanh và đường rộng luôn có giá cao hơn. Thế nhưng khi hoàn thành KDC, nhiều người mới hay thực tế diện tích công viên, cây xanh, đường giao thông đã bị xà xẻo nhiều, không hoàn mỹ như quy hoạch ban đầu. Thực trạng nạn xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch dành cho công ích đã đến mức báo động.
Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TPHCM, chỉ qua kiểm tra 14 dự án tại huyện Nhà Bè, quận 2, quận Tân Phú và quận Thủ Đức, cho thấy hầu hết các dự án đều có sai phạm về việc chủ đầu tư cắt xén diện tích công trình công ích để xây dựng nhà hàng, bãi giữ xe. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư quá tham, tận dụng các mối quan hệ để phù phép biến đất quy hoạch công viên cây xanh thành đất ở, và nhiều cao ốc, biệt thự đã mọc lên.
Công viên thành biệt thự
Dự án KDC tại phường 17 quận Gò Vấp do ông Trương Đức Thông làm chủ đầu tư có diện tích 27.726m². Theo bản quy hoạch chủ đầu tư đưa ra ban đầu để chào bán nền đất, diện tích cây xanh 7.576m² (27,84%), đất giao thông 9.891m² (36,39%). Trong khi người dân đã mua đất, tiến hành xây dựng nhà, chủ đầu tư cũng tìm cách chuyển dần đất công viên cây xanh và đất giao thông sang làm đất ở. Thủ thuật của chủ đầu tư khá đơn giản: con đường nội bộ trong KDC đã quy hoạch rộng 20m bị điều chỉnh chỉ còn 12m; diện tích công viên cây xanh cũng thu hẹp để nhường đất cho nhà ở.
Dự án KDC tại phường 12 quận Gò Vấp do ông Nguyễn Văn Dương làm chủ đầu tư cũng có tình trạng tương tự. Theo quyết định phê duyệt ban đầu, dự án này có 89 nền nhà, nhưng rồi chủ đầu tư đã “linh hoạt” chuyển một phần đất quy hoạch công viên cây xanh và đất giao thông thành đất ở để nâng lên thành 103 nền. Theo đó, đường quy hoạch 8m, nay chỉ còn 6m, lại không có vỉa hè; hành lang kênh rạch 20m bị lấn 6m để làm nhà ở.
Dự án KDC tại phường 14 quận Gò Vấp do ông Vũ Ngọc Sơn làm chủ đầu tư có diện tích trên 10.000m². Theo quy hoạch, ngoài khu nhà ở có 98 lô, còn có diện tích dành cho cây xanh, gồm khu 1 có diện tích 759m², khu 2 là 419m². Để tăng thêm lợi nhuận, chủ đầu tư đã không ngần ngại cho một căn nhà mọc lên trên phần đất cây xanh ở khu 1 và 2 căn nhà mọc lên trên phần đất cây xanh ở khu 2.
|
KDC mới ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) khang trang nhưng thiếu công viên cây xanh.
|
Khi chào bán đất dự án KDC - trung tâm hành chính - thương mại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), chủ đầu tư là Công ty cổ phần May - Xây dựng Huy Hoàng đã căn cứ theo bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 2009 để làm cơ sở mua bán đất.
So với mặt bằng chung, giá đất ở đây khá cao nhưng mọi người chấp nhận, bởi KDC có cảnh quan đẹp, nằm cạnh sông Sài Gòn, nhiều diện tích đất cây xanh và có hành lang sông Sài Gòn rộng 50 m. Khi khách hàng đã trao tiền, nhận đất, chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, chuyển phần diện tích quy hoạch công viên cây xanh ven sông thành dãy biệt thự. Hàng trăm khách hàng đã mua đất với giá cao vì tưởng sẽ có được căn nhà hướng ra sông thơ mộng, mát mẻ, nay choáng váng khi thấy mọc lên dãy biệt thự chắn ngang. Chỉ việc chuyển hơn 19.000m² đất công viên cây xanh ven sông thành hơn 100 nền nhà liên kế và, biệt thự, chủ đầu tư đã bỏ túi thêm hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, phần thiệt thòi của những người đã bị mất cảnh quan sông nước và công viên cây xanh rước nhà khó tính hết bằng tiền.
Trong những chuyện xà xẻo đất quy hoạch dành cho công ích tại các KDC, cư dân bị thiệt, trong khi khoản lợi chủ đầu tư có thêm quá lớn thì thấy quá lớn. Giá mỗi mét vuông đất ở trong các KDC mới trên thị trường lên đến hàng chục triệu đồng, đã làm cho lòng tham của các chủ đầu tư trỗi dậy. Họ đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp, kể cả thủ đoạn mua chuộc để biến đất công viên cây xanh, công trình công cộng thành đất ở, biệt thự. Điều đáng nói ở đây, sự tham lam của chủ đầu tư sẽ khó thực hiện nếu như không có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ trong bộ máy chính quyền.
- Bài 2: Thủ thuật điều chỉnh quy hoạch
Trần Yên