Ngày 26/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Hội nghị, các ý kiến tập trung vào vấn đề được người dân cả nước quan tâm là thu hồi đất và cơ chế đền bù cho người dân. Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) nên có quy định giá đền bù đất riêng đối với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các đại biểu, việc quy định giá đền bù chung cả nước như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhìn chung là ổn, nhưng riêng với các thành phố lớn đặc thù như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần tách riêng và quy định cho hợp lý vì giá đất ở các vùng này khá chênh lệch với các địa phương khác. Nếu cào bằng giá đền bù theo giá chung, người dân ở các thành phố lớn sẽ rất thiệt thòi. Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, Luật nên quy định rõ việc thành lập hội đồng theo dõi tăng, giảm giá đền bù (theo Luật là 20%) cho người dân trong thời gian triển khai để để điều chỉnh cho hợp lý. Các đại biểu đều cho rằng, nếu việc thu hồi và đền bù đất phù hợp lòng dân, các dự án sẽ triển khai nhanh hơn nhiều so với hiện nay.
Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.Hồ Chí Minh đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra những quy định khá hợp lý, hầu hết người dân không phản đối việc thu hồi đất đúng mục đích, nhưng họ phải được bồi thường thỏa đáng. Theo ông Mười, trong thu hồi đất nên có cơ chế bồi thường về sản xuất, căn cứ vào sản lượng và giấy chứng thư đóng thuế… trước đó của người dân để đền bù, Nhà nước cần có giải pháp cụ thể để không mất quyền lợi của người dân. Đại diện Hội Giáo chức thành phố cũng góp ý, khi thu hồi đất phục vụ cho các dự án thì nên bồi thường cho người dân theo giá thị trường bởi họ phải đi mua chỗ ở khác theo giá thị trường. Một thực tế xảy ra thời gian qua là nhiều hộ bị thu hồi đất với diện tích rộng nhưng đền bù theo khung giá, trong khi mua lại căn hộ người dân lại phải mua theo giá thị trường, khiến số tiền đền bù một khu đất rộng lại không mua nổi một căn hộ.
Riêng việc quản lý đất và giá đất ở vùng sâu vùng xa, đại diện Hội Giáo chức Thành phố và ông Đỗ Công Minh, đại diện Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố đều cho rằng: Nhà nước cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua với loại đất do bà con khai phá được, nhiều người lợi dụng mua không theo mức giá nào, gây thiệt thòi cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số.
Ông Đỗ Công Minh, Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố cũng tán thành về quy hoạch 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện. Về tầm nhìn quy hoạch trong Luật quy định, ông Minh cho rằng, quy hoạch tầm nhìn 20 năm là thời gian ngắn cho người sản xuất, có thể nâng lên 30-40 năm để người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, ý kiến khác tại hội nghị lại cho rằng cần xem lại và rút ngắn thời gian quy hoạch ở một số khu vực, ở khu vực đất trống, ít dân cư thì có thể kéo dài thời hạn quy hoạch 10 năm và tầm nhìn 20 năm. Nhưng ở khu đông dân cư thì kéo dài quy hoạch 10 năm người dân sẽ rất khổ vì phải sống trong cảnh nhà cửa không thể sửa chữa, đường sá ngập lụt, bụi bặm… Vì vậy nên rút ngắn quy hoạch ở các vùng này, kéo dài gây bất cập và không hợp lý…