Trong hai ngày 10 và 11-4, báo cáo tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) quý 1-2013 đã liên tục được các đơn vị cung cấp dịch vụ BĐS hàng đầu thế giới đặt tại Việt Nam công bố. Trong đó, bức tranh BĐS vẫn phủ một màu u ám.
|
Thị trường bất động sản tại TPHCM cần nhiều giải pháp rã băng đồng bộ. Ảnh: Cao Thăng
|
Thêm điều kiện thuận lợi
Theo đánh giá mới nhất của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, thị trường BĐS đang và sắp có thêm những điều kiện thuận lợi như lãi suất tiết kiệm giảm xuống 7,5%, giá vàng trên thị trường giảm, ngân hàng nhà nước dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 6%, Chính phủ dự kiến thành lập công ty mua bán nợ trong tháng 4-2013…
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính mới đây, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hoạt động kinh doanh bất động sản để kích cầu và hỗ trợ thị trường bất động sản, từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014 sẽ giảm 50% thuế GTGT với hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội và 30% thuế GTGT với hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70m² và giá bán dưới 15 triệu đồng/m². Ngoài ra, từ ngày 1-7, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được áp thuế TNDN 20%, thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội sẽ chịu 10% thuế GTGT.
Về phía thị trường, tại Hà Nội, hầu hết các sản phẩm mới lần đầu tung ra thị trường đều thuộc phân khúc bình dân với 95% có giá bán dưới 1.000USD/m², những sản phẩm tồn kho đã được chào bán với giá giảm tới 50% so với ban đầu. Tại thị trường TPHCM, theo báo cáo của Công ty Savills, nguồn cung căn hộ tiếp tục tăng. Trong quý 1 có khoảng 15.800 căn hộ, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Giá giao dịch trung bình trên thị trường sơ cấp vẫn duy trì ở mức dưới 20 triệu đồng/m²…
|
Những dự án nhà ở thương mại đang “đóng băng” có giá bán dưới 12 triệu đồng/m² dễ chuyển thành nhà ở xã hội. Ảnh: Phạm Kim Ngân
|
Cải cách thủ tục
Khẳng định những khuyết tật đối với thị trường BĐS là không thể tự khắc phục được mà cần có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước vì lợi ích chung của nền kinh tế, song ông Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những giải pháp đã có “chưa động đến những vấn đề cốt lõi cho phát triển thị trường BĐS”.
Theo ông Thành, các vấn đề trọng tâm nhất phải giải quyết là, cần sửa đổi ngay Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó phần vướng mắt lớn nhất là tính quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Đây là “chướng ngại” đã tồn tại hơn 3 năm qua, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Thứ hai, phải giải quyết tiền cho người mua nhà bằng cách Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành chủ trương cho người mua nhà được trả góp từ 7-20 năm, với lãi suất cố định 8-10%/1 năm, nhất là đối với người mua nhà lần đầu để ở, đây mới là đối tượng khách hàng lớn nhất của thị trường BĐS.
Trong thời gian nợ xấu ngân hàng vẫn còn là vấn đề nan giải, vẫn cần phải duy trì lãi suất thấp, sau này khi thanh khoản ngân hàng tốt hơn sẽ xem xét điều chỉnh. Bên cạnh đó, chính sách cho công ty đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp cần ban hành cụ thể, rõ ràng, không phải cơ chế “xin - cho”, dễ nảy sinh tiêu cực. Đồng thời, cần cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng tối đa là 9 tháng cho 1 dự án, thay vì hiện nay kéo dài rất lâu, dẫn đến tình trạng nhiều dự án 3 năm chưa triển khai làm tăng chi phí của các nhà đầu tư.
Cũng khẳng định nhà nước cần hỗ trợ để thị trường BĐS hồi phục trong thời gian ngắn nhất, song các chuyên gia của Viện Nghiên cứu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng lo ngại, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được dòng tiền “chảy” vào “túi” của các chủ đầu tư và không kiểm soát chất lượng sản phẩm hoặc tiến độ thực hiện của chủ đầu tư, thì người mua nhà vẫn là bên lãnh hậu quả tồi tệ phát sinh từ “chủ quan” của chủ đầu tư, cụ thể là khi chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước với lý do hạch toán “lỗ”; hoặc không thực hiện đúng cam kết với khách hàng về tiến độ hoặc chất lượng với “lý do khó khăn về tài chính” (người mua nhà trên giấy và không được quyền giám sát việc thi công xây dựng). Khi đó, hệ lụy sẽ xảy ra với người mua nhà.
Bích Quyên