|
Theo Quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025, TPHCM sẽ phát triển thêm không gian đô thị ra cả 4 hướng: Đông, Bắc, Tây và Nam. Tuy nhiên, không phải cả 4 hướng đều “dàn hàng ngang” cùng tiến mà chỉ có hai hướng với một trong số đó là hướng Nam-hướng ra biển, được xác định là một trong những hướng chủ lực. Trên thực tế, TPHCM cũng đã làm nhiều quy hoạch và triển khai thực hiện như xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đô thị cảng Hiệp Phước, Phước Kiểng… ở hướng này.
Báo cáo mới đây nhất mang tên “Chiến lược tháng 3-2013” của đề án TPHCM phát triển ra hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) - một đề án được thực hiện trong chương trình hợp tác thích ứng với BĐKH giữa thành phố Rotterdam của Hà Lan và TPHCM đã có những từ ngữ sau đây khi nhận xét về vùng đất phía Nam của TPHCM: “Phía Nam không thích hợp để phát triển đô thị theo quy mô lớn. Khu vực này dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. Nơi đây lại có địa tầng yếu và độ ẩm cao khiến cho việc xây dựng rất khó khăn. Hiện tượng lún sụt mặt đất cũng hay xảy ra tại khu vực này. Hướng Nam còn có rừng ngập mặt Cần Giờ-khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống xói mòn bờ biển và triều cường do bão cho TPHCM”. Sau nhận xét, báo cáo đưa ra kết luận: “Quy mô và loại hình phát triển (đô thị hiện có và dự định trong quy hoạch phát triển đô thị của TPHCM-PV) về hướng Nam nên được thẩm định lại”.
|
Một góc Khu công nghiệp Hiệp Phước được xây dựng nhằm tiến ra phía Nam của thành phố. Ảnh: Phạm Kim Ngân
|
Tuy nhiên, không phải đợi kết quả nghiên cứu của dự án nêu trên, những thông tin như vậy mới được công bố. Cách nay hơn 2 năm, trong một hội thảo về phát triển TPHCM bền vững, hướng về phía biển, lãnh đạo Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) - đơn vị nhà nước đầu tiên được thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các khu công nghiệp cùng đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam TPHCM cũng đã công bố, nền địa chất ở khu vực này rất yếu. Lớp đất yếu có nơi dày tới 30m-40m. Trước thông tin ấy, nhiều chuyên gia nước ngoài trong hội thảo cũng đã đặt vấn đề: như vậy chi phí xây dựng sẽ rất cao. Xây dựng nhà cửa ở đây, người dân nào sẽ đủ khả năng mua? Rồi chi phí bảo trì, bảo dưỡng nhà và các công trình xây dựng khác… mà chắc chắn sẽ không rẻ do điều kiện tự nhiên không thuận tiện cho xây dựng. Chưa kể chi phí khắc phục hậu quả mỗi khi thiên tai xảy ra… Tổng số tiền hẳn là con số không nhỏ.
Nói về phát triển đô thị theo hướng Nam, nhiều nhà khoa học trong nước cũng đã từng có ý kiến. GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng, hướng Nam là một trong những hướng thoát nước chính của TPHCM. Do vậy, phát triển đô thị ở đây, chính là chặn mất đường thoát nước chủ yếu của thành phố. PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH thuộc Đại học Quốc gia TPHCM trong bản nhận xét đề án TPHCM tiến ra biển, thích ứng với BĐKH của nhóm chuyên gia Hà Lan và TPHCM nêu trên cũng “chia sẻ quan điểm thận trọng của tư vấn trước những khó khăn rất lớn trong việc tiến ra biển của TPHCM”.
Tất nhiên, TPHCM cũng đã có những cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định tiến về phía Nam, về phía biển. “Nhất cận thị, nhị cận giang”… Tiến về phía biển, TPHCM có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế biển: cảng biển, các dịch vụ logistic… đi kèm. Một hoạt động kinh tế đã góp một phần quan trọng hình thành nên Sài Gòn-TPHCM từ hơn 100 năm qua và hiện cũng đang đóng góp một phần rất lớn trong tổng nguồn thu ngân sách của thành phố. Thế nhưng cũng nhìn ở góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển bất chấp tự nhiên, trong nhiều trường hợp cái giá phải trả là rất lớn. Hiệu quả kinh tế vì thế sẽ không cao, thậm chí không có. Đó là chưa tính đến những hậu quả về môi trường, về tính bền vững của sự phát triển.
Như vậy, TPHCM phải tiến ra phía biển, thích ứng với BĐKH như thế nào? Giải pháp được đưa ra bởi nhóm chuyên gia Hà Lan và Việt Nam là: Xây dựng (đô thị ở khu Nam-PV) trên một diện tích nhỏ và trên gò cao. Dành không gian thích hợp cho nước và tự nhiên. Những nhu cầu khác về phát triển đô thị nên được triển khai ở phía Tây Bắc và phía Đông. Cũng trong bản nhận xét của mình về đề án “TPHCM tiến về phía biển, thích ứng với BĐKH”, PGS-TS Hồ Long Phi còn đề nghị nhóm tư vấn “nên có kiến nghị cụ thể về điều chỉnh quy hoạch không gian cho toàn thành phố”.
Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, PGS-TS Hồ Long Phi giải thích thêm về quan điểm của mình: thành phố nên cân nhắc cẩn trọng quy mô phát triển về phía Nam bởi để phát triển kinh tế biển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có khu cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm kế cận Hiệp Phước. Khu cảng Cái Mép-Thị Vải có lợi thế tự nhiên tuyệt vời về luồng, tuyến.
Trong khi đó, luồng tàu biển Soài Rạp cho khu cảng Hiệp Phước có độ bồi lắng lớn. Kinh phí nạo vét và duy tu, bảo dưỡng cao. Lợi nhuận thu được từ hoạt động cảng biển ở đây vì thế, e không được như kỳ vọng. TPHCM nên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư cho những ngành kinh tế có hàm lượng chất xám cao, tạo điều kiện và cùng các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đặt mục tiêu cạnh tranh và trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và thế giới thay vì cạnh tranh trong nội bộ với nhau.
|
|
Một số khu đô thị lớn sẽ hình thành ở khu Nam trong tương lai
Là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, là đầu mối trung chuyển phục vụ TPHCM, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Là khu đô thị công nghiệp, với khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa ngành, đa dạng về sản phẩm, đặc biệt các loại công nghiệp gắn với cảng và vận tải đường thủy.
Là khu đô thị dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công nghiệp, vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển.
Là khu đô thị hiện đại, với các khu ở đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.
* Phạm vi và quy mô đô thị cảng Hiệp Phước
Khoảng 3.911,99ha bao gồm các thành phần sau :
Diện tích mặt nước sông Soài Rạp: khoảng 749,9ha;
Diện tích khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1: 311,4ha;
Diện tích khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2: 651,66ha;
(597ha + 54,66ha của cảng Sài Gòn - Hiệp Phước)
Diện tích khu cảng Hạ lưu Hiệp Phước 3+ khu đất dự trữ + đất khác: 354, 91ha;
Diện tích khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3: 428ha.
Diện tích khu dự trữ phát triển – cây xanh: 150ha.
Diện tích khu đô thị Hiệp Phước: khoảng 1.206,82ha
(bao gồm 57,8ha là 2 khu tái định cư Hiệp Phước 1 và 2).
Dự án Sài Gòn SunBay có diện tích dự án hơn 600ha, trong đó 400ha dành cho xây dựng và 200ha làm bãi biển tại xã Long Hoà huyện Cần Giờ với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Riêng vốn san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến khoảng 350 triệu USD.
Đây là công trình lớn nhất Việt Nam tự tạo quỹ đất bằng lấn biển, sử dụng công nghệ thi công lấn biển hiện đại, dùng cát biển để san lấp mặt bằng. Theo đó sẽ có hàng loạt công trình kiến trúc được xây dựng trên nền cát lấn ra biển. Cụ thể, công trình kiến trúc Saigon SunBay được quy hoạch thành 4 phân khu HeartBay, LifeBay, EcoBay và BlueBay, tương ứng với các chức năng như khu nghỉ dưỡng, khu dân cư cao cấp, khu nhà vườn và các hạng mục biển nội bộ và bãi tắm nhân tạo với sức chứa 20.000 khách và tổ chức các hoạt động thể thao trên biển, bãi biển...
Theo đồ án quy hoạch, Khu dân cư Phước Kiểng (Nam Sài Gòn giai đoạn 3) có tổng diện tích 156,44ha với phía Đông giáp giáp rạch Mỏ Neo và khu định cư Phước Kiểng 2, phía Tây giáp sông Ông Lớn và kinh Cây Khô, phía Nam giáp rạch Cá Sấu và phía Bắc giáp giáp rạch Đỉa.
Khu dân cư có quy mô dân số vào khoảng 24.000 người. Trục đường Đào Sư Tích cắt ngang khu quy hoạch, tạo thành 2 khu vực có bố cục không gian kiến trúc tương đối độc lập: Khu Bắc đường Đào Sư Tích: Không gian công viên trung tâm làm chủ đạo cho toàn bộ khu vực, gồm 3 hướng kết nối giao thông liên khu vực; Khu Nam đường Đào Sư Tích: Trục giao thông thương mại làm chủ đạo cho toàn bộ khu vực. Về giao thông gồm nhiều tuyến đường nhỏ kết nối với Khu định cư Phước Kiểng 2 và khu vực phía Nam đồ án.
Toàn bộ các cụm chung cư cao tầng - kết hợp thương mại theo hình thức tổ hợp không gian quy mô lớn được bố trí dọc hai bên trục thương mại. Các công trình còn lại bao gồm nhà ở thấp tầng và công trình công cộng được bố trí xung quanh, theo hướng thấp dần về hướng khu vực lân cận và bờ sông.
|
|
|
|
NGUYỄN KHOA
|