Ngày 11/4 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan như Xây dựng, Giao thông Vận tải, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố… đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật theo tiến trình phát triển của đất nước là tất yếu, nhất là trước những thách thức về các vấn đề môi trường. Việc góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ cần tập trung điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó khắc phục tình trạng quy định về các hành vi vi phạm còn chung chung, mức phạt chưa hợp lý, mức phạt thấp đối với những hành vi có tính nguy hại cao và mức phạt cao đối với một số hành vi thông thường...
Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo, đồng thời đưa nhiều ý kiến cụ thể đối với các nội dung như: Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường; công bố công khai thông tin vi phạm môi trường; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định buộc di dời, cấm hoạt động cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ Điều 63, đến Điều 74 của Dự thảo Nghị định…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất tại Khoản 3, Điều 2 “Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy đinh của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”; đề nghị bổ sung thêm cụm từ “vô ý” vào sau câu “cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà vô ý có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…”, trong trường hợp cố ý sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Các đại biểu đề nghị bổ sung thêm phần trăm số tiền phạt đối với hành vi xả nước thải không qua xử lý…
Theo Dự thảo, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ phải chịu mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Mức phạt từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đối với các cơ sở đang hoạt động trong khu vực đó. Ngoài ra, đối với hành vi không tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân trong vùng sẽ bị phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng.
Lý Thanh Hương