Sau hơn 3 ngày chính thức phát động tuyển tình nguyện viên Chiến dịch Tiêu dùng xanh do UBND TPHCM chủ trì, đã có đến hơn 2.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia. Điều này cho thấy sức hút của chương trình môi trường nói chung và Chiến dịch Tiêu dùng xanh nói riêng rất lớn, nhất là đối với giới trẻ - người tiêu dùng tương lai.
Chiến dịch Tiêu dùng xanh được tổ chức từ năm 2010 và duy trì hàng năm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, mục đích việc tổ chức chiến dịch trên nhằm hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh, sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống. Đồng thời, từng bước thông qua phát triển định hướng tiêu dùng xanh trong cộng đồng để tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường.
Được biết, qua 3 lần tổ chức, các dự án của chương trình như khu phố xanh, đạp xe tuyên truyền, kết nối xanh giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng tương lai, kích cầu tiêu dùng xanh… đã thu hút hơn 9.000 đoàn viên, sinh viên và hơn 2 triệu người dân tham gia hưởng ứng chương trình. Ấn tượng hơn, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tại các hệ thống siêu thị Co.op trong tháng diễn ra chiến dịch tiêu dùng xanh đã tăng 40% - 60% so với bình thường.
Để phát huy kết quả đạt được, Chiến dịch Tiêu dùng xanh năm 2013 sẽ được đổi mới với việc áp dụng nhiều sáng tạo do lực lượng tình nguyện viên đề xuất. Cụ thể, chiến dịch tiêu dùng xanh lần này ngoài việc duy trì những dự án truyền thống như đạp xe tuyên truyền, khu phố xanh, kích cầu tiêu dùng xanh thì sẽ có thêm những dự án mới như dự án Ngày cộng đồng sống xanh, Vũ điệu hành động xanh, Tôi yêu rác, Mái trường sinh thái… Các dự án mới chủ yếu tập trung phát huy sức mạnh tập thể của cộng đồng, nhất là giới trẻ với những hành động có lợi môi trường sống, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay. Hơn nữa, việc đưa vào những dự án mới, ban tổ chức còn mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay cải thiện chất lượng môi trường nhưng không đơn thuần dừng lại ở việc kêu gọi chung chung. Cải thiện môi trường sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể là thay mới mái nhà trường học nghèo ở các quận huyện ngoại thành bằng tấm lợp được tái chế từ vỏ hộp sữa; lắp đặt thùng rác được sản xuất từ vỏ hộp sữa tái chế tại các công viên kết hợp vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định; vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp xanh do UBND TP chứng nhận để tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại nhưng của các doanh nghiệp đen…
Bằng những dự án có tính thực tiễn cao trên, Chiến dịch Tiêu dùng xanh lần này hứa hẹn sẽ đi vào chiều sâu mà ở đó hành động bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng, của chính mỗi người sẽ được định hình rõ nét hơn.
MINH XUÂN