Trong khoảng 2 thập niên vừa qua, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng càng lúc càng thể hiện rõ hơn tại vùng ĐBSCL, nhiều hiện tượng thiên tai, thời tiết bất thường đã được ghi nhận. Hầu hết mọi hoạt động canh tác nông nghiệp đều bị chi phối lớn do các yếu tố khí hậu. Sự bất thường của thiên nhiên đã gây nhiều tổn thất về năng suất và sản lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH đã từng cảnh báo vùng ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng ven biển sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do BĐKH và nước biển dâng. Theo phỏng đoán từ nay đến cuối thế kỷ này, trường hợp mực nước biển trung bình dâng lên từ 0,75m đến 1m, sẽ có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL bị chìm ngập và khoảng 75% diện tích canh tác hiện nay sẽ bị nhiễm mặn mùa khô và khoảng 40% - 50% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được. Điều này có thể tạo nên một nguy cơ là sản lượng lúa của khu vực sẽ giảm đi ít nhất một nửa và Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia không có gạo xuất khẩu.
Kinh nghiệm các nước chỉ ra rằng có 3 nhóm biện pháp thích ứng với nước biển dâng, đó là bảo vệ, thích nghi và rút lui. Với 3 nhóm giải pháp này, nhìn chung những lựa chọn thích ứng có thể rất đa dạng, tùy thuộc vào các chính sách ưu tiên, mức độ tác động, tình hình thực tế về kinh tế, xã hội và các nguồn lực khác nhau mà mỗi địa phương có thể lựa chọn giải pháp cụ thể một, hai hoặc kết hợp cả ba để giải quyết tối ưu vấn đề thích ứng với nước biển dâng.
Đã có thời gian dài trước đây chúng ta nhìn nhận hiện tượng lũ hàng năm ở ĐBSCL như là hiện tượng thiên tai, cho đó là tác nhân gây bất lợi cho đời sống dân sinh, tỏ ra lo lắng khi có lũ lớn và tìm cách xây đê ngăn lũ. Đó là cách nhìn trái tự nhiên. May mắn là chúng ta đã kịp thay đổi tư duy, chủ động chấp nhận lũ, sống chung với lũ, khai thác nguồn lợi mà lũ mang lại.
Lối tư duy thực tiễn và khoa học ấy đã khiến người dân vùng ĐBSCL không quay lưng chạy lũ, mà ngày càng có nhiều sáng tạo để thích nghi với môi trường mùa lũ, khai thác lợi thế mà lũ mang lại nhiều hơn là tác hại do lũ gây ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc áp dụng các giải pháp thích ứng với nước biển dâng cần được triển khai dài hơi thích ứng với những dự báo trong tương lai, thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào tác động khí hậu trước mắt. Bên cạnh đó, cần thay đổi việc thích ứng từ bị động sang chủ động đối phó, phòng ngừa; đồng thời, cần đưa những tác động nước biển dâng như chỉ dẫn quan trọng trong việc hoạch định chính sách; xem xét và tận dụng cơ hội mà tác động của nước biển dâng mang lại thay vì chỉ theo chiều ứng phó. Và cũng cần vận dụng các quan niệm mới này để lồng ghép, triển khai thành hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán và toàn diện, củng cố khả năng thích ứng của từng địa phương và quốc gia.
Theo các chuyên gia về BĐKH, đối với sản xuất lúa, cần phải điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn.
Trong canh tác lúa, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Cần xây dựng các công trình như ngăn mặn, giữ ngọt, khai thác nước ngầm, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cần nâng cao nhận thức cộng đồng, tập huấn phương pháp lồng ghép BĐKH và kế hoạch phát triển của địa phương, chia sẻ thông tin và kiến thức nhằm ứng phó hiệu quả nhất đối với vấn đề BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Trần Minh Trường