Điều 28 Luật Khiếu nại quy định: “Thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý…”. Quy định là thế, song rất ít đơn khiếu nại của người dân được cơ quan thẩm quyền giải quyết đúng hẹn, thường là trễ hẹn vài tháng, thậm chí nhiều năm.
Nhận đơn rồi... “kính gửi”
Đầu năm 2012, ông Phan Văn Thanh (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) có đơn gửi UBND phường Đông Hưng Thuận (quận 12) xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất có diện tích 7.638m2 tại đường Nguyễn Văn Quá. Đơn của ông Thanh sau đó bị UBND phường ra văn bản bác, vì lô đất trên do Nhà nước đang quản lý.
Ông Thanh đã khiếu nại lại văn bản này, và thay vì ra quyết định giải quyết theo thẩm quyền thì Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận Phan Trung Nam lại ký văn bản 235/UBND-ĐC ngày 4-5-2012 “kính gửi” UBND quận 12. Nhận được văn bản này, UBND quận 12 lại “kính gửi” trở lại UBND phường Đông Hưng Thuận, vì theo Điều 17 Luật Khiếu nại quy định: “Chủ tịch UBND xã-phường-thị trấn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với cơ quan hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp…”. Không thấy cơ quan nào trả lời, ngày 11-4, ông Thanh lại gửi đơn khiếu nại đến… Ban Biên tập Báo SGGP đề nghị xem xét giải quyết.
|
Cán bộ tiếp dân UBND huyện Bình Chánh (trái) giải thích nội dung khiếu nại của người dân liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: HOÀI NAM
|
Trường hợp của ông Nguyễn Công Nghệ (ngụ phường 5, quận Tân Bình) khiếu nại quyết định của UBND quận 2 về giá đền bù khu đất gần 20.000m2 tại phường An Khánh (quận 2) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đơn khiếu nại của ông thay vì được UBND quận 2 giải quyết theo thẩm quyền, thì nơi đây lại “kính gửi” UBND phường An Khánh báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND quận trước ngày 25-5-2011.
Thế nhưng, từ đó đến nay khiếu nại của ông Nghệ cũng không có cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định giải quyết. Bức xúc về việc này, ông Nghệ chuyển qua đơn tố cáo gửi các cơ quan Trung ương, làm cho vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài nhiều năm qua không được giải quyết dứt điểm.
Đó là hai trong rất nhiều trường hợp khiếu nại của người dân gửi đến cơ quan thẩm quyền nhưng không được giải quyết đúng hẹn theo luật định. Tình trạng này đang trở nên khá phổ biến tại các cơ quan hành chính, thay vì thụ lý giải quyết lại “kính gửi” đến cơ quan khác không thuộc thẩm quyền.
Nhiều trường hợp ở quận 3, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình… đơn khiếu nại của người dân còn bị “ngâm” tại nơi họ gửi lần đầu cả chục năm không được “kính gửi” đến cơ quan khác để theo dõi, kiến nghị giải quyết. Cụ thể, trong 35 vụ việc khiếu nại phức tạp được UBND TPHCM lập kế hoạch giải quyết vừa qua đều có thời gian kéo dài trên 10 năm, trong đó có nhiều vụ tồn đọng, kéo dài hơn 30 năm mới được giải quyết.
Đúng hẹn - chuyện hiếm
Cũng theo quy định của Luật Khiếu nại, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Thế nhưng, quy định này cũng rất ít cơ quan hành chính thực hiện. Điều này khiến người dân bức xúc vì không biết đơn khiếu nại của mình có được cơ quan nào thụ lý hay không, nên tiếp tục gửi đơn đến cấp thẩm quyền cao hơn. Đến lượt mình, các cơ quan này lại “kính gửi” trở lại hoặc chuyển đi nơi khác, làm cho thời hạn giải quyết kéo dài, vượt quá thời gian quy định.
Từ năm 2012 đến nay, ngành Thanh tra TPHCM tiếp nhận, xử lý gần 10.000 đơn thư, trong đó chiếm hơn một nửa là đơn khiếu nại. Mặc dù tỷ lệ đơn khiếu nại giải quyết đúng thẩm quyền đạt tỷ lệ hơn 80%, song số đơn khiếu nại giải quyết đúng hẹn chỉ vào khoảng 20%.
Theo Chánh Thanh tra TP Lâm Đình Chiến, nhiều vụ việc khiếu nại của người dân trở nên gay gắt, phức tạp đều có nguyên do của tình trạng các cơ quan hành chính hiện nay không chấp hành đúng các quy định về thời hạn giải quyết đơn khiếu nại theo luật định. Nhiều vụ việc nếu được trả lời, giải thích hoặc tổ chức đối thoại ngay từ đầu thì người dân sẽ tự giác rút đơn khiếu nại, không để kéo dài hoặc gửi đơn vượt cấp như thời gian qua.
Ngày 4-8-2012, UBND TPHCM ban hành quy định bắt buộc các cơ quan hành chính phải gửi thư xin lỗi đối với các tổ chức và công dân nếu các thủ tục, hồ sơ đến ngày hẹn mà chưa có kết quả. Thực tế cho thấy, từ đó đến nay chưa có đơn khiếu nại nào của người dân bị trễ hẹn giải quyết được các cơ quan thẩm quyền gửi thư xin lỗi.
Thiết nghĩ, ngành Thanh tra TP sớm ban hành quy chế thực hiện quy định này để người dân không phải mòn mỏi chờ đợi mỗi khi thực hiện quyền khiếu nại của mình tới các cơ quan hành chính.
HOÀI NAM