Sáng 4-5, đoàn công tác của Thường trực HĐND TPHCM giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TPHCM tại huyện Củ Chi - TPHCM. Các đại biểu tập trung mổ xẻ những vấn đề liên quan đến giải tỏa nhà dân nhưng không triển khai thực hiện, xây dựng sai phép, quy hoạch treo…
Giải quyết dự án không triển khai: chưa có lối ra
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, thông tin: toàn huyện có 235 dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất. Trong 200 dự án sản xuất kinh doanh, có 20 dự án không triển khai thực hiện - mặc dù đã có quyết định giao thuê đất của cấp thẩm quyền, 15 dự án hoạt động sai ngành nghề theo quyết định giao. Trong 35 dự án phúc lợi công cộng, có 5 dự án chưa xây dựng, trong đó 2 dự án do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng…
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, “xới” vấn đề: Số dự án chưa triển khai thực hiện tại huyện Củ Chi còn nhiều, đến 20 dự án. Dự án đã giải tỏa xong nếu không triển khai, để kéo dài gây lãng phí xã hội rất lớn, người dân lo lắng. Huyện giải quyết vấn đề này như thế nào? Cũng quan điểm này, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Phạm Hiếu Nghĩa truy tiếp: Đề nghị huyện chỉ rõ tên dự án chậm trễ sẽ thu hồi, chứ không thể nêu giải pháp định hướng xử lý chung chung. Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Phạm Văn Hải chất vấn: Dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn có qua địa phận Củ Chi, dân bức xúc vì giao đất đã lâu nhưng không triển khai, khi mưa cả khu vực bị ngập, khi nào dự án thực hiện xong? Trong lúc nhà lưu trú cho công nhân thiếu nhưng tại Củ Chi có đến 2 dự án xây nhà lưu trú đã giao đất nhưng không triển khai, vì sao?
Trước hàng loạt vấn đề nêu ra, ông Lê Minh Tấn khẳng định, với 2 dự án nhà lưu trú của công nhân do Công ty CP Cao su Sài Gòn KYMDAN và Công ty Hóa mỹ phẩm PS làm chủ đầu tư đã giao đất nhưng không thực hiện sẽ kiến nghị thu hồi đất. Đối với 20 dự án chưa triển khai, huyện sẽ sớm phối hợp với Sở TN-MT rà soát xem dự án nào khả thi, không khả thi để đề xuất UBND TP xử lý. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt, nếu TP có thu hồi những dự án không triển khai cũng chỉ là hình thức chuyển “chủ đầu tư treo” sang “nhà nước treo” vì TP vẫn chưa nghĩ ra hướng giải quyết đối với dự án đã giải tỏa nhưng không triển khai. Ông Kiệt đề xuất: HĐND TP sớm có cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài tham gia vào những dự án này.
Phân lô bán nền: xã nói không, huyện bảo có
Liên quan đến tình trạng xây dựng sai phép làm thay đổi quy hoạch, đại biểu Trần Trọng Dũng chất vấn: Sau khi quy hoạch xong, việc quản lý quy hoạch của địa phương như thế nào? Trên địa bàn còn xảy ra tình trạng phân lô bán nền xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp như báo chí từng phản ánh tại xã Tân Phú Trung, chỉ cần 100 triệu đồng có thể mua được đất và xây được nhà?
Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Văn Nị, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, phân trần: Việc phân lô, bán nền, xây nhà trái phép chủ yếu chỉ trên… giấy, còn thực tế thì… không (!?) Ông Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực HĐND TP không tán thành: “Nếu chỉ phân lô bán nền trên giấy sao báo chí chụp hình được?”. Trước vấn đề các đại biểu đặt ra, ông Lê Văn Tấn thừa nhận, tại huyện Củ Chi có 9/21 xã đã xảy ra tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng, với tổng số trên 900 nền và Tân Phú Trung là 1 trong 9 xã này; trong đó, 281 nền phù hợp với quy hoạch. Nhưng theo ông Tấn, tình trạng này chỉ xảy ra thời điểm trước năm 2010, còn từ năm 2012 đến nay do địa phương quản lý địa bàn chặt nên không còn. “Huyện rất kiên quyết trong xử lý nhà sai phép, dù khoảng 50% số hộ sai phạm là diện chính sách”, ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Thanh Chín cho rằng, khiếu nại, khiếu kiện đông người hầu hết cũng do đền bù giải tỏa, quy hoạch treo… Do vậy, UBND huyện Củ Chi phải làm tốt công tác quy hoạch. Đây là địa bàn rộng nên cần chú ý khi quy hoạch phải sát thực tế, khả thi. Đồ án quy hoạch đã được duyệt, phải công khai trong nhân dân, sau 30 ngày như quy định.
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Phạm Văn Hải đánh giá có 2 dự án “treo” điển hình tại TPHCM khiến người dân quá khổ sở. Đó là dự án Viện trường (tại huyện Củ Chi do Sở Y tế TP làm chủ đầu tư), UBND TP đã ra quyết định thu hồi đất nhưng người dân lại chưa có tiền đền bù và dự án quy hoạch tại Khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Triển khai Nghị quyết 16, chính quyền địa phương và HĐND TP cần đề nghị UBND TPHCM giải quyết rốt ráo 2 dự án này để dân đỡ khổ.
|
|
VÂN ANH – TUẤN VŨ