Ông Đặng Hùng Võ cho biết, nhiều vấn đề với số lượng ý kiến đóng góp rất lớn nhưng không được Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp thu, nhưng cũng có những vấn đề ít hoặc không có ý kiến lại được bộ này đề nghị tiếp thu để cập nhật vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tại Hội thảo tập huấn Quản lý và sử dụng đất đai dành cho báo chí (do Tổ chức OXFAM và Viện Tư vấn phát triển (CODE) tổ chức tại tỉnh Hòa Bình) chiều 12-5, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho biết, trong thời gian qua, Luật Đất đai được rất nhiều người dân quan tâm, số lượng ý kiến tự giác đóng góp khá nhiều. Các ý kiến của người dân đã có tác động ở mức đáng kể đối với nhu cầu đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.
Nhiều vấn đề quan trọng thể hiện tính tiến bộ đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định nhất trí tiếp thu. Đó là: Cơ chế nhà nước thu hồi đất được giới hạn lại đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội chỉ trong phạm vi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và sẽ được quy định chi tiết đối với từng loại dự án; Cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất được đổi mới trên nguyên tắc thỏa thuận với đa số ý kiến của cộng đồng, ý kiến của thiểu số nếu có khiếu nại sẽ do tòa án giải quyết; Bảng giá đất chỉ được áp dụng đối với việc tính thuế, phí, xử lý vi phạm hành chính, tính bồi thường cho Nhà nước khi làm thất thoát quỹ đất…
Hội thảo cũng đã đưa ra thông tin được cập nhật từ Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Bộ Tài nguyên Môi trường đã nhận được tổng số 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức và cá nhân, trong đó những văn bản quan trọng bao gồm: báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ và cơ quan trung ương; báo cáo tổng hợp ý kiến của người dân của UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng do Tổ chức Oxfam, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội… Sau khi tổng hợp, phân loại nội dung các ý kiến của người dân, Bộ Tài nguyên Môi trường đã xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến này và đề xuất việc tiếp thu ý kiến cũng như giải trình các ý kiến không thể tiếp thu.
Bình luận về bảng báo cáo này, ông Đặng Hùng Võ cho biết, nhiều vấn đề với số lượng ý kiến đóng góp rất lớn nhưng không được Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp thu, nhưng cũng có những vấn đề ít hoặc không có ý kiến lại được bộ này đề nghị tiếp thu để cập nhật vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo ông Đặng Hùng Võ, các ý kiến tập trung vào 87 vấn đề, trong đó có những vấn đề rất quan trọng nhưng cũng có những vấn đề chỉ mang tính hình thức, có vấn đề chỉ mang tính kỹ thuật.
Trong đó, có 2 vấn đề có tới khoảng 800.000 lượt ý kiến/vấn đề: thứ nhất là thay cơ chế nhà nước thu hồi đất bằng cơ chế nhà nước trưng mua đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thứ hai là vấn đề phải xin phép Thủ tướng Chính phủ đối với chuyển mục đích sử dụng đất của đất lúa. Tuy nhiên, chỉ có vấn đề thứ hai trong 2 vấn đề trên được Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp thu để đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Từ đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nên quy định rõ tiêu chí tiếp thu ý kiến của người dân. Từ đó, cơ quan chức năng có thể tiếp thu một vấn đề có ý kiến mang tính thiểu số nhưng phải đáp ứng tiêu chí đặt ra mới mang tính thuyết phục và cầu thị.
Hạnh Nhung