Ngày 6/5, ông Phan Văn Việt, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dẫn đầu đoàn thanh tra của Bộ làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện quản lý môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và đất đai trên địa bàn tỉnh. Sau khi làm việc với UBND tỉnh đoàn sẽ tiến hành thanh tra cụ thể một số địa phương, doanh nghiệp về thực thi pháp luật của Nhà nước với quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho biết, toàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp; theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ nâng lên 36 khu công nghiệp. Thời gian qua, tỉnh có nhiều cố gắng trong quản lý môi trường, chất lượng môi trường nước, không khí dần được cải thiện. Về lĩnh vực đất đai, Đồng Nai là trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước lập được quy hoạch sử dụng đất và đã hoàn thành xong đo đạc, lập bản đồ địa chính tại các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư vẫn còn để xảy ra một số bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện. Lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước cũng đã được tăng cường quản lý chặt chẽ hơn.
Trước đó, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai) đã tiến hành quan trắc tại 16 khu công nghiệp (KCN) đóng trên địa bàn 6 huyện, thành phố cho thấy, nhiều KCN chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Cụ thể, qua quan trắc tự động tại 34 vị trí của 16 KCN đã cho kết quả các thông số môi trường không khí không đạt quy chuẩn và có thể gây tác động đến sức khoẻ con người vượt từ 1 đến hơn 9 lần so với quy định. Tại KCN tập trung Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) thông số bụi tổng hợp vượt 2,56 lần; quan trắc tại KCN Long Thành, cho thấy chỉ số bụi tổng hợp vượt 1,15 lần; KCN Xuân Lộc vượt 1,23 lần; KCN Hố Nai vượt 1,16 lần; KCN Tam Phước vượt 1,19 lần; KCN Amata vượt 1,35 lần; KCN Biên Hoà 1 vượt 1,37 lần, KCN Biên Hoà 2 vượt 1,34 lần so với quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra, chất lượng nước trên sông Đồng Nai hiện nay tuy vẫn đủ điều kiện để cấp nước sinh hoạt ở một số đoạn, phục vụ thủy lợi, song tình trạng ô nhiễm vẫn còn vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, sông Đồng Nai từ đoạn 1 đến đoạn 2 (đoạn từ sau hợp lưu sông Đồng Nai và sông Đạ Hoai đến bến đò Bà Miêu, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) dù chất lượng nước đạt mục đích sử dụng cho cấp nước sinh hoạt, song một vài thông số vẫn vượt ngưỡng. Riêng đoạn 3 (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai), chất lượng nước phải xử lý ô nhiễm mới đủ khả năng cấp nước sinh hoạt vì hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, từ kết quả quan trắc trên, đơn vị này sẽ đề nghị các đơn vị có liên quan phải có các phương án khắc phục trong thời gian tới, nhằm trả lại môi trường trong lành cho những khu vực bị ảnh hưởng.
Lê Hiền