Ngày 9/5, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức giao lưu trực tuyến đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Giao lưu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc nắm bắt, thực thi pháp luật về đất đai...
Tại buổi giao lưu, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thông tin về tình hình, tiến độ triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân trong thời gian qua; trả lời các câu hỏi, các ý kiến của bạn đọc tham gia đóng góp xây dựng và hoàn thiện Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Thông báo về kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) tính đến nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Cơ quan soạn thảo đã nhận được hơn 6, 95 triệu lượt ý kiến góp ý của tổ chức và cá nhân góp ý cho toàn bộ các Chương, Điều của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ý kiến góp ý của nhân dân tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (hơn 1,99 triệu lượt ý kiến); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1,4 triệu lượt ý kiến); quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai (hơn 798 nghìn lượt ý kiến); tài chính đất đai và giá đất (hơn 743 nghìn lượt ý kiến); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (hơn 738 nghìn lượt ý kiến)... Cơ quan soạn thảo hiện vẫn đang tích cực tiếp thu, trên cơ sở đó sẽ sớm hoàn tất để trình Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của độc giả về giải pháp giải quyết mâu thuẫn về đất đai, nhất là việc đền bù khi thu hồi đất, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng trong thời gian qua, do các quy định của pháp luật về bồi thường và hỗ trợ chưa rõ ràng nên mặc dù ngân sách đã chi cho việc bồi thường và hỗ trợ là rất lớn nhưng người có đất bị thu hồi vẫn cho rằng việc bồi thường về đất là chưa đầy đủ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ về bồi thường và hỗ trợ, cụ thể: Về bồi thường, gồm có bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có); bồi thường về thiệt hại về tài sản (nếu trên đất bị thu hồi có tài sản gắn liền với đất được hình thành hợp pháp); bồi thường thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh (đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà phải ngừng sản xuất, kinh doanh); bồi thường chi phí di chuyển (nếu có) khi Nhà nước thu hồi đất. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bị thu hồi đất được Nhà nước bồi thường các khoản như đã nêu trên. Về hỗ trợ, gồm có hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở đô thị mà ảnh hưởng đến sinh kế của người có đất bị thu hồi; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở và các loại hỗ trợ khác. Tùy từng loại đất bị thu hồi, diện tích đất bị thu hồi mà người bị thu hồi đất được Nhà nước hỗ trợ các khoản như đã nói ở trên.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến việc có trường hợp người sử dụng đất có đất nằm trong khu quy hoạch có những dự án kéo dài làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đắc Nhẫn nêu rõ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý, lập quy hoạch trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Trong thực tế vẫn còn tình trạng các loại quy hoạch chồng chéo, chưa đồng bộ dẫn đến nảy sinh các mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch; chất lượng quy hoạch hạn chế, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch, tính khả thi và tính hiệu quả của quy hoạch còn thấp; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bất cập; một số địa phương chạy theo mục đích thu hút đầu tư bằng mọi giá, đã phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy hoạch ngành không theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm nâng cao chất lượng của công tác lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020. Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 2 đã thông qua Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia với những quan điểm mới về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được xây dựng theo hướng quy hoạch sử dụng đất, phải phân vùng sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở phân vùng sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành tiếp tục chi tiết hóa ở các vùng này.
Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai Nguyễn Đắc Nhẫn cũng đồng tình với ý kiến nhiều bạn đọc về việc quy hoạch “treo” đang gây nhiều nhức nhối trong xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này vấn đề này đã được khắc phục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng: quy định diện tích đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chỉ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Trường hợp thu hồi đất còn căn cứ kế hoạch thu hồi đất hàng năm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua gắn với kế hoạch kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng hàng năm của địa phương. Việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc trách nhiệm của Nhà nước, chủ đầu tư không được tham gia vào quá trình này.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm: Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Việc xử lý đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng được dự thảo Luật quy định theo hướng: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại...
Tại buổi giao lưu, các đại biểu khách mời cũng dành nhiều thời gian giải đáp câu hỏi của độc giả về việc bổ sung cơ chế quản lý đặc biệt đối với đất công; việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân trước mỗi một dự án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; về quy định bảo vệ quyền lợi của nông dân... trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phúc Hằng