3.700 tấn là lượng khí HCFC trung bình mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất. Hiện nay, ở nước ta lượng khí này tăng 15%/năm. Trong khi đó, theo Nghị định thư Montreal, mỗi năm Việt Nam phải giảm 10%/khí HCFC.
Khí HCFC là loại khí gây tổn hại rất nghiêm trọng cho tầng ôzôn nhưng ở nước ta, loại khí này lại đang được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất xốp với gần 7.000 tấn, cấp đông lạnh và điều hòa không khí với khoảng hơn 3.000 tấn.
Ông Lương Đức Khoa, Cục Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT cho biết, cả nước hiện có khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất xốp, 30 doanh nghiệp sản xuất máy cấp đông cho các kho lạnh, 10 doanh nghiệp sản xuất máy điều hòa không khí và hơn 400 doanh nghiệp chế biến thủy hải sản có kho lạnh. Điều đáng nói là phần lớn doanh nghiệp này có công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Do vậy, với mục tiêu phải cắt giảm 10% lượng khí sử dụng hàng năm là một thách thức lớn của Việt Nam trong việc tuân thủ Nghị định thư Montreal.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu thời gian tới, bộ sẽ tập trung loại trừ hoàn toàn việc sử dụng khí HCFC tại 12 doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt thông qua việc thay thế toàn bộ dây chuyền công nghệ sử dụng HCFC sang công nghệ sản xuất xốp sử dụng cyclopentane. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 80% chi phí chuyển đổi công nghệ sản xuất an toàn cho môi trường. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động nhằm giảm tiêu thụ môi chất lạnh HCFC trong các thiết bị cấp đông, giảm lắp đặt mới các thiết bị cấp đông dùng môi chất lạnh HCFC trong các kho lạnh của ngành thủy sản; thúc đẩy giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu suất năng lượng cho các điều hòa không khí gia đình được sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng khí HCFC là do giá thiết bị chuyển đổi và giá nguyên liệu mới thay thế cho HCFC còn khá cao, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng, phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng có lợi cho môi trường, trước mắt, bộ sẽ có chính sách hỗ trợ mỗi doanh nghiệp từ 500.000 - 1 triệu USD, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng chuyển đổi của các doanh nghiệp. Mặt khác, sau khi chuyển đổi, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận sản xuất, tăng sức cạnh tranh nhờ mở rộng được thị trường xuất khẩu tại các nước châu Âu, Mỹ - là những nước đã cấm nhập khẩu các sản phẩm trực tiếp, gián tiếp chứa HCFC trong quá trình sản xuất. Còn về lâu dài, ông Nguyễn Khắc Hiếu cho biết, Bộ TN-MT sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, các cơ sở chuyên sửa chữa thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí. Khuyến cáo các bộ ngành, địa phương từ nay trở đi không cấp phép mới thành lập các doanh nghiệp cũng như cho phép doanh nghiệp đang hoạt động được mở rộng quy mô sản xuất có sử dụng HCFC vì thế giới đang có xu hướng loại trừ dần loại khí này. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng sẽ đề nghị cấm hoàn toàn việc nhập khẩu HCFC trong thời gian tới.
MINH HẢI