Sau khi được UBND TP.HCM xóa dự án “treo”, đất đai ở khu Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) và khu vực dự án sinh thái hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) lại rơi vào hoàn cảnh “treo” khác.
Người dân vẫn bị hạn chế xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất bởi nhiều lý do...
|
Chính quyền địa phương dựng bảng cấm người dân mua bán đất trái phép tại khu vực dự án hồ sinh thái xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
HĐND TP.HCM vừa kết thúc đợt khảo sát thực hiện nghị quyết 16 năm 2012 về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP. Qua khảo sát cho thấy các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong việc xóa bỏ các dự án “treo”, quy hoạch “treo” để giải quyết quyền lợi về đất đai cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân tại các khu vực đã được xóa “treo” vẫn còn nhiều vướng mắc, ràng buộc...
Từ cái “treo” này đến cái “treo” khác
Ông Thiếu Văn Se, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, UBND xã đã lập biên bản sáu trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực đất thuộc dự án sinh thái hồ Vĩnh Lộc. Người dân cho biết vì họ xin chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa không được nên phải xây dựng không phép để có nhà ở.
|
Nhà của ông Huỳnh Văn Vô ở Thanh Đa nằm sâu trong đồng nhưng trước nhà có con đường ximăng sạch sẽ chạy ngang qua. Đường rộng gần 2m, có đèn đường, cọc tiêu trắng - đỏ hai bên. Con đường này được làm sau khi UBND TP có quyết định ngừng dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa của Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.
Vui là vậy nhưng hỏi đến chuyện đất đai, quy hoạch thì ông Vô lại thở dài: quyền lợi về đất đai của người dân còn bị “trói” đủ thứ. Dân được quyền xây nhà nhưng phải có đất thổ cư, Nhà nước không cho chuyển đất ruộng thành đất thổ cư, muốn bán đất thì phải bán cả thửa chứ không cho tách nhỏ. Muốn làm cái chuồng bò, ao cá cũng phải cam kết tự phá bỏ, không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. “Bây giờ bỏ vốn ra đầu tư cái gì xuống đất cũng phải tính bằng chục triệu đồng. Dân bỏ tiền ra đầu tư mà Nhà nước tuyên bố không bồi thường khi thu hồi đất, cũng không biết làm được mấy năm thì Nhà nước thu hồi nên không ai dám làm, ruộng đất phải bỏ hoang” - ông Vô kể.
Con của ông Vô có gia đình, ra riêng từ năm 2000 nhưng ông xin xây nhà cho con hoài không được. Đến khi Nhà nước ngưng dự án nói trên, ông Vô xin phép xây nhà tạm cho con cũng không được vì đất của ông là đất nông nghiệp. Chẳng lẽ cha có 18.000m2 đất bỏ hoang mà để con phải đi thuê nhà ở nên ông Vô lén xây căn nhà cấp 4 khoảng 40m2 cho con trai. Bà Trần Kim Phúc, vợ ông Vô, nhớ lại: “UBND phường, thanh tra xây dựng qua lại ngày ba bốn lần, hết thuyết phục chồng tui tự tháo dỡ rồi báo sẽ cắt điện, cắt nước. Giờ thấy bóng thanh tra xây dựng hay cán bộ phường là tôi thót tim”.
Ông Nguyễn Tất Thành, phó chủ tịch UBND P.28, Q.Bình Thạnh, kể ông vẫn còn nhớ như in cái ngày nhận được quyết định của UBND TP về việc ngừng dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa. “Quyết định ký ngày 3-2-2010, UBND phường nhận được văn bản chính vào khoảng 15g chiều cùng ngày. Cán bộ phường ai cũng mừng nên quyết định phổ biến ngay cho dân. Đến 17g, anh em còn photo văn bản để gửi về cho các khu phố, tổ dân phố càng nhanh càng tốt” - ông Thành nhớ lại. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu đoàn công tác của UBND TP, Ủy ban MTTQ TP, đài truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo mạng... đến phường khảo sát, phỏng vấn, viết bài về quyền lợi, đời sống của người dân trong khu vực vừa thoát dự án “treo”. Ông Thành cho biết nhiều hộ dân đã được cấp giấy chủ quyền nhà, đất, giấy phép xây dựng tạm. Nhưng quyền lợi của người dân vẫn còn bị hạn chế nhiều bởi khu vực này vẫn chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000, người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được tách thửa...
Bỏ dự án cũ để chờ lập dự án mới...
Tháng 1-2011, UBND TP chính thức có quyết định thu hồi dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, chấm dứt dự án kéo dài gần 14 năm, hơn 300 hộ dân hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh khỏi cảnh sống “treo”. Theo UBND huyện Bình Chánh, người dân ở khu vực thuộc dự án trên đã được cấp giấy chủ quyền nhà, đất, được cấp phép xây dựng tạm.
Theo UBND xã Vĩnh Lộc B, Nhà nước chỉ ngưng dự án do chủ đầu tư thực hiện quá chậm. Còn đất của khu vực này vẫn được quy hoạch chức năng hồ sinh thái nên người dân phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. Hiện nay, chính quyền đang kêu gọi doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng dự án khu sinh thái. Cách đây ba tháng, UBND xã phát cho người dân tờ thăm dò ý kiến để thực hiện dự án với những nội dung như gia đình có bao nhiêu nhân khẩu, bao nhiêu đất, khi Nhà nước thực hiện dự án, người dân muốn tái định cư ở đâu, có nhu cầu học nghề nghiệp gì...
Bà Phụng, nhà ở tổ 17, ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, nói: “Tưởng ngưng dự án là trả lại đất cho dân làm ăn, ai dè Nhà nước đang kêu gọi chủ đầu tư khác để lập dự án mới, như vậy cũng như không. Từ ngày xã phát giấy thăm dò ý kiến, dân tụi tôi ăn hết ngon, coi như lại chờ giải tỏa như những ngày còn dự án cũ”.
D.NGỌC HÀ