Đất bỏ hoang cho cỏ mọc, nhà cửa xuống cấp nhưng người dân không được xây mới (chỉ sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng) vì đang là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Đó là tình trạng đang diễn ra phổ biến tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn (gọi tắt là khu Nam). Đã 17 năm từ khi khu đô thị này được thành lập, trừ khu Phú Mỹ Hưng được xây dựng khang trang, các khu B, C, D, E còn lại gần như tê liệt vì dự án “treo”.
Dựng lều nuôi vịt cũng không được
Nhà bà Nguyễn Thị Màng, số C11/28 ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nằm trong quy hoạch dự án khu nhà ở của Công ty MTV Xây dựng Bình Minh. Suốt 13 năm qua, mỗi khi mưa lớn cả gia đình đều phải lội bì bõm vì trong nhà nước ngập tới đầu gối. Căn nhà xập xệ nhưng không thể xây mới, mảnh đất rộng cũng đành bỏ hoang vì không được làm gì. “Đất bỏ trống nhưng cất nhà cất cửa gì họ cũng không cho, làm giấy tờ cũng không được. Mấy lần tôi dựng cái chòi nhỏ lên để nuôi gà, nuôi vịt là lực lượng chức năng tới kêu đập bỏ” - bà Màng than thở.
Chỉ ra bãi cỏ mênh mông nằm trong dự án Bình Minh và các dự án “treo” kế cận, bà Màng cho biết: Khu vực này thường xuyên bị cháy cỏ. Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra năm vụ cháy, trong đó có vụ lửa lan vào làm cháy mất mấy căn phòng trọ của con bà. “Cứ để tình trạng cỏ mọc um tùm như hiện nay thì khi xảy ra cháy ai sẽ bồi thường thiệt hại cho chúng tôi?” - bà Màng bức xúc.
Block chung cư trong dự án Hạnh Phúc đang xây dở dang thì tạm ngưng từ bốn năm nay (phía sau ảnh). Trong khi đó, người dân trong vùng dự án phải sống trong những căn nhà lụp xụp như thế này.
Ảnh: V.HOA
“Treo” nguyên xã Bình Hưng
Theo báo cáo của Sở TN&MT, huyện Bình Chánh là một trong những địa phương có số lượng dự án “treo” lớn nhất TP. Phần lớn các dự án này đều thuộc địa bàn khu Nam. “Trong bốn xã của huyện gồm Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long, xã Bình Hưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất” - ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay.
Xã Bình Hưng có ba trục đường huyết mạch đi qua là Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 50. Dọc theo ba tuyến đường này, dự án “treo” tiếp nối dự án “treo”. Một số dự án chủ đầu tư sau khi san lấp xong đã dựng hàng rào che kín. Nhưng cũng có những dự án không có rào chắn, giữa đám đất trống chỉ trơ trọi vài cần cẩu. Có dự án xây dang dở rồi bỏ hoang 4-5 năm nay, cỏ dại mọc cao hơn đầu người.
Trường hợp điển hình là dự án khu dân cư Hạnh Phúc rộng hơn 41 ha, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh. Dự án hiện mới bồi thường được 40% (7,7 ha). Trên phần đã bồi thường xong, chủ đầu tư xây một block chung cư nhưng đến lầu bảy thì ngưng từ bốn năm nay. Mới đây huyện Bình Chánh đã đề nghị Ban Quản lý khu Nam yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phần đang xây dựng, đồng thời điều chỉnh một phần quyết định thu hồi đất với phần diện tích chưa bồi thường.
“Hiện chủ đầu tư chưa lập được phương án bồi thường cho phần diện tích còn lại (có khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng). Đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch” - ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, nói.
Theo UBND xã Bình Hưng, gần như nguyên xã Bình Hưng đang bị “treo” bởi dự án. Trên địa bàn có 54 dự án thì có tới 42 dự án nằm trong ranh quy hoạch khu Nam đã có quyết định thu hồi đất; bốn dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Hơn 60% số dự án trên địa bàn có quyết định thu hồi đất trên năm năm.
Phải xem xét lại quy hoạch
Do các dự án kéo dài quá lâu, xã Bình Hưng đã vận động người dân trong một số hẻm lớn tự bỏ tiền sửa chữa đường sá, kéo đường ống để có nước sạch. Lãnh đạo xã kiến nghị với những khu vực dân đã ở đông như dọc các trục đường lớn thì cần giữ nguyên hiện trạng để tiến hành chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, phải xem xét lại quy hoạch khu Nam, xác định những khu vực trọng điểm để tập trung đầu tư thay vì dàn trải như hiện nay.
UBND huyện Bình Chánh cũng đề xuất: Những dự án đã có tỉ lệ bồi thường cao nhưng bỏ hoang đất lâu năm vẫn phải thu hồi để giải phóng quyền lợi cho dân. “Các dự án treo đã quá lâu, người dân không thể chịu đựng thêm nữa” - ông Đoàn Nhật cho hay.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM qua công văn ngày 7-5, Ban Quản lý khu Nam cho biết: Đến nay có khoảng 1.000 ha diện tích các dự án trong khu Nam đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh (tổng diện tích khu Nam là 2.975 ha - PV). Tiến độ triển khai đầu tư còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Một số dự án đã lập phương án giải phóng mặt bằng nhưng thực hiện bồi thường chậm, kéo dài nhiều năm do cơ chế, chính sách về bồi thường tái định cư thường xuyên thay đổi. Việc bồi thường chủ yếu thực hiện theo cơ chế tự thương lượng giữa chủ đầu tư với người dân nên giá bồi thường thiếu thống nhất, thời gian hoàn tất các thủ tục kéo dài” - văn bản của khu Nam nêu.
Ban quản lý cũng cho biết từ đầu năm 2013 đã tiến hành rà soát tình hình các dự án, các khu chức năng trên địa bàn, từ đó đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng khu Nam trình UBND TP xem xét. Nhưng đến nay việc khảo sát mới chỉ thực hiện tại một số khu vực có mật độ xây dựng cao như đường Phạm Hùng, quốc lộ 50, Lê Văn Lương và An Phú Tây.
VIỆT HOA