Cây xanh có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu nhưng tại TPHCM diện tích cây xanh hiện nay lại rất hạn chế. Theo khảo sát, thành phố có khoảng 83.000 ha diện tích cây xanh (bao gồm diện tích rừng, cây xanh đường phố, công viên). Diện tích cây xanh chỉ đạt 10m²/người, con số này quá thấp so với một số thành phố như: Paris 25m²/người, Mátxcơva 40m²/người…
Tiến sĩ Trần Viết Mỹ, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TPHCM cho biết, quá trình đô thị hóa ở TPHCM đang diễn ra nhanh chóng đã khiến diện tích cây xanh thành phố bị suy giảm. Nhiều tòa nhà cao tầng trong thành phố đang hàng ngày thải vào môi trường một lượng lớn khí thải nhà kính. Gây nên tình trạng biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến mực nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, diện tích của TPHCM sẽ bị ngập khoảng 23%, 53% diện tích đất canh tác bị ngập, gây thiệt hại nặng về năng suất cây trồng. Hơn 1/2 nút giao thông hiện tại và khoảng 80% nút giao thông đang trong kế hoạch xây dựng bị ngập.
Các trạm, hệ thống truyền tải năng lượng, hạ tầng điện, dầu, khí ven biển và ngoài khơi cũng có nguy cơ bị phá hủy nghiêm trọng do sự gia tăng bão, triều cường, ngập lụt và sóng lớn. Y tế sẽ khó khăn gấp bội vì sự bùng phát một số bệnh đường ruột, tả, lỵ…do ô nhiễm nước nước bẩn khi nước thải đô thị chảy tràn từ nhà vệ sinh và bể tự hoại vốn rất phổ biến tại thành phố.
Thực tế, biến đổi khí hậu là quá trình thay đổi trên phạm vi toàn cầu không thể tránh khỏi khi công nghiệp hóa. Trước tình trạng này con người chỉ có thể hạn chế làm chậm biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa bằng việc thay đổi hệ thống canh tác, duy trì và phát triển hệ thống cây xanh. Thay đổi quy trình công nghệ để giảm bớt lượng khí thải vào bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Điều quan trọng nhất là con người phải biết thay đổi điều kiện sống để thích nghi với sự biến đối khí hậu. Trong điều kiện thành phố, việc bố trí lại cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, khi dân cư, các công trình kiến trúc… dựa trên kịch bản biến đối khí hậu là cần thiết và cấp bách.
Ở lĩnh vực cây xanh đô thị, thành phố có thể điều chỉnh theo các hướng cơ bản. Trước hết là ngăn chặn sự suy thoái rừng ngập mặn Cần Giờ - lá phổi xanh hết sức quan trọng của TP bằng cách giữ ổn định địa chất, tỉa thưa. Còn với vườn cây ăn trái ven kênh rạch thuộc hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai đang chịu ảnh hưởng rất nặng do thủy triều dâng cao. Do vậy cần bố trí theo mô hình sinh thái bền vững. Trong đó, cây ăn trái sẽ được chuyển hóa từ các loại đặc sản như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm… không chịu được ngập úng sang một số loài có khả năng chịu đựng cao, tiêu biểu như mãng cầu ghép.
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, TPHCM cần quy hoạch lại hệ thống công viên, khu du lịch sinh thái cho phù hợp ở các địa bàn như quận 2, Bình Chánh, Nhà Bè…, đây là những khu vực thường bị ảnh hưởng nặng nề khi mực nước biển dâng cao. Đặc biệt, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống cây xanh trong các công viên và các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Ngoài ra, cần khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh trước nhà; tăng cường trồng cây trên các tuyến phố theo quy hoạch.
MINH HẢI