Môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa bởi sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước và không khí. Đánh giá mới đây của Tổng cục Môi trường, cho thấy, mỗi ngày cả nước khai thác hàng triệu m³ nước ngầm cung cấp cho hơn 300 nhà máy nước khai thác thành nước sinh hoạt. Thế nhưng, đáng lo ngại là nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm, từ việc bị xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh, cho tới ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng do việc khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước. Hơn nữa, hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là ở Hà Nội, TPHCM.
Còn tại một số địa phương, qua khảo sát đã phát hiện, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm vi khuẩn Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng ngàn lần. Đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm asen cũng chiếm rất lớn, tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước nhiễm asen.
Cùng với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí cũng đang là vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam, môi trường không khí đang bị ô nhiễm bụi, trong đó có chứa nhiều chất độc hại do khói của các phương tiện giao thông thải ra và khí thải từ các khu công nghiệp. Thực trạng này cũng khiến cho môi trường sống ngay trong nhà của người dân tại nhiều đô thị cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới đã phải cảnh báo, có tới 2,7% gánh nặng bệnh tật toàn cầu xuất phát từ ô nhiễm không khí trong nhà. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Y tế cho biết: Không khí ô nhiễm, đặc biệt là các dạng hạt nhỏ trong không khí sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, khiến cho các bệnh về đường hô hấp như: lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản không ngừng gia tăng. Cùng với đó, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm môi trường. Việc ô nhiễm nguồn nước khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát.
Theo các chuyên gia y tế và môi trường, để đối phó với thảm họa ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, ngoài các chiến lược, chính sách giải pháp mang tầm vĩ mô để giảm thiểu những tác hại lên sức khỏe con người, thì bản thân mỗi người, mỗi gia đình cần tìm ra các biện pháp thích ứng, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
MINH KHANG