Năm 2000, TP.HCM được Chính phủ Đan Mạch tài trợ bốn trạm quan trắc không khí tự động (hoạt động từ tháng 6-2000). Năm 2002, TP tiếp tục được Chính phủ Na Uy tài trợ thêm năm trạm quan trắc không khí tự động khác. Theo các chuyên gia, mỗi trạm quan trắc tự động được tài trợ có giá khoảng 400.000-500.000 USD.
Ong làm tổ...
Theo thiết kế của các cơ quan chức năng và đơn vị tài trợ, năm trạm quan trắc không khí tự động dùng quan trắc chất lượng không khí xung quanh khu vực được đặt tại các vị trí: Viện Kỹ thuật nhiệt đới (đường Trương Quốc Dung, Q.Phú Nhuận), khuôn viên Phòng tài nguyên - môi trường Q.Thủ Đức (đường Tagore, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức), khuôn viên của UBND Q.2, Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12) và Thảo cầm viên Sài Gòn (Q.1). Bốn trạm quan trắc chất lượng không khí ven đường được đặt tại Sở Khoa học - công nghệ (đường Điện Biên Phủ, Q.3), Trường THPT Hồng Bàng (đường Hồng Bàng, Q.5), Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình) và Phòng giáo dục huyện Bình Chánh.
Hệ thống chín trạm quan trắc này hoạt động liên tục 24/24 giờ, đo năm thông số cơ bản về chất lượng không khí như: bụi lơ lửng (PM10), lưu huỳnh điôxit (SO2), ôxit nitơ (NOx), cacbon (CO) và ôzôn (O3). Từ khi được tài trợ đến năm 2008, hệ thống máy quan trắc này hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ các thông số cần thiết để ngành môi trường tư vấn cho UBND TP trong công tác quản lý, hoạch định chính sách cũng như công khai cho người dân biết hiện trạng môi trường mình đang sinh sống sạch, bẩn, an toàn đến đâu.
Tuy nhiên từ năm 2009, các loại máy móc bắt đầu xuống cấp trầm trọng, không thể khắc phục và lần lượt ngưng hoạt động. Tới nay, toàn bộ 9 trạm quan trắc tự động này đã ngưng hoạt động. Các thông số đo, khảo sát không khí trong thời gian 2-3 năm qua đã không còn liên tục, đầy đủ và chính xác để cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách môi trường nói riêng và quy hoạch đô thị nói chung của TP.
Ngày 23-5, chúng tôi theo chân một cán bộ của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP) đi kiểm tra một số trạm quan trắc không khí tự động. Tại trạm quan trắc đặt trong khuôn viên Bệnh viện Thống Nhất - nơi vị cán bộ này cho rằng còn khá tốt so với các trạm khác - thì cửa đã rất khó mở. Khi cán bộ này dùng sức kéo mạnh cánh cửa, từng đàn ong ruồi bay ra vù vù... Bên trong trạm quan trắc rộng chưa tới 10m² là hệ thống điều hòa nhiệt độ, ổn áp điện, bàn ghi hồ sơ, giá đặt hệ thống 4-5 máy quan trắc tự động - tất cả đã phủ mạng nhện!
Đến kiểm tra trạm quan trắc đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung, cán bộ của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường bảo: “Chỉ nhìn từ ngoài thôi, mở cửa là sập trạm đó”. Trạm này trước đây chứa bên trong cả nửa triệu USD nay đã sụp một góc mái, vách tường bung ra, mục nát hết. Do trạm mục nát, các cán bộ của trung tâm đã rút toàn bộ thiết bị về đặt tại các trạm còn tốt và mang về trụ sở chờ... bán thanh lý theo dạng phế liệu.
Lại đề xuất hàng chục tỉ đầu tư trạm quan trắc mới
Ông Trần Nguyên Hiền, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP, cho biết ngay khi các trạm quan trắc không khí tự động còn hoạt động thì các trạm quan trắc không khí bán tự động cũng đồng thời hoạt động. Các trạm quan trắc bán tự động này được đặt tại những điểm “đen” về chất lượng không khí như vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (Q.1), vòng xoay Phú Lâm (Q.6), vòng xoay An Sương (Q.12), ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp) và ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Ông Hiền khẳng định các thông số đo, khảo sát bằng phương pháp bán tự động này vẫn đáng tin cậy, tuy nhiên ông thừa nhận tính không liên tục của phương pháp này. Sáu trạm quan trắc bán tự động hiện quan trắc theo phương pháp thu mẫu 10 ngày trong tháng, vào lúc 7g, 10g và 15g với các thông số gồm: nitrogen điôxit (NO2), CO, chì, bụi tổng và tiếng ồn. Một cán bộ khác của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường cho rằng ở hầu hết các nước trên thế giới, các thông số đo, khảo sát bằng phương pháp này chỉ để tham khảo, không thể lấy đó làm cơ sở dữ liệu để đánh giá vì tính thiếu chính xác, dễ bị tác động bởi người thực hiện.
Trong khi các trạm quan trắc được tài trợ bị bỏ xó thì ngày 22-4, Sở Tài nguyên - môi trường TP có văn bản đề nghị ghi vốn đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước mặt và không khí trên địa bàn TP. Trong đó, riêng nhóm hai trạm quan trắc nước mặt và hai trạm quan trắc không khí tự động có tổng vốn là 45 tỉ đồng.
Theo các cán bộ của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, do thiếu kinh phí để bảo trì, thay thế thiết bị đồng bộ nên hệ thống máy móc ở các trạm quan trắc do nước ngoài tài trợ xuống cấp và hư hỏng đến mức không thể phục hồi được. Nay dùng tiền ngân sách đầu tư hai trạm quan trắc không khí tự động liệu có để xảy ra tình trạng do thiếu kinh phí bảo trì mà dẫn đến hư hỏng? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Nguyên Hiền cho biết Chi cục Bảo vệ môi trường TP có đề xuất kinh phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ hằng năm cho các trạm mới mua, dự tính chiếm khoảng 10% tổng số tiền đầu tư mua mới.
Về nguyên nhân dẫn tới hỏng hệ thống chín trạm cũ, ông Hiền cho rằng việc thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng định kỳ chỉ là một trong các lý do, không phải hoàn toàn. “Hệ thống các trạm quan trắc là các thiết bị máy móc tinh vi, đòi hỏi sự chính xác cao nên thời gian sử dụng chỉ 10-15 năm” - ông Hiền nói.
Chất lượng không khí xấu đi
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường TP.HCM (giai đoạn 2011 tới quý 1-2013) do Chi cục Bảo vệ môi trường TP thực hiện, đa số các chỉ số về CO, NO2, bụi không đạt quy chuẩn. Cụ thể, chất CO ở các nút giao thông Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh có xu hướng tăng, dù 99% đạt quy chuẩn. Bụi dao động từ 0,44-0,67 mg/m³, 100% không đạt quy chuẩn. Ba khu vực Hàng Xanh, Phú Lâm và Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh có xu hướng tăng lượng NO2 và 100% các nút giao thông này không đạt quy chuẩn tiếng ồn...
|
QUỐC THANH - GIA MINH